Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh đã có cuộc trao đổi với PV để làm rõ hơn những nội dung mới trong dự thảo luật nhằm đảm bảo cho người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý.
Theo chương trình làm việc, sáng 10/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét dự thảo luật tại phiên họp toàn thể. Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Minh đã trao đổi với phóng viên để làm rõ hơn những nội dung mới trong dự thảo luật nhằm đảm bảo cho người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý.
Phóng viên: Xin bà cho biết quy định mới về đối tượng được trợ giúp pháp lý theo dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi)?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Đối tượng trợ giúp pháp lý lần này đã được nghiên cứu mở rộng tối đa, bảo đảm quyền của những người đang được trợ giúp pháp lý, đồng thời bảo đảm phù hợp với bản chất của trợ giúp pháp lý là dành cho người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính không thể thuê dịch vụ pháp lý trong xã hội.
Cụ thể, dự thảo Luật đã kế thừa toàn bộ các quy định về người được trợ giúp pháp lý của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, bao gồm người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính (đối với người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật chỉ thay cụm từ "không nơi nương tựa" bằng cụm từ "có hoàn cảnh khó khăn về tài chính" cho phù hợp với bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý). Bổ sung các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong các luật ban hành sau Luật trợ giúp pháp lý năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật trợ giúp pháp lý hiện hành, bao gồm nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội. Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định, bao gồm người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới, có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Việc sửa đổi quy định về đối tượng trợ giúp pháp lý tại dự thảo Luật để phù hợp với bản chất của hoạt động trợ giúp pháp lý là Nhà nước giúp các đối tượng yếu thế, những người không có khả năng tài chính để thuê dịch vụ pháp lý khi họ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý. Pháp luật trợ giúp pháp lý hầu hết các nước đều dựa trên chủ thuyết quan trọng đó là trợ giúp pháp lý là trách nhiệm của Nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm công lý, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người nghèo không có khả năng thuê luật sư, không có khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý trong xã hội. Do đó, người nghèo, người không có khả năng chi trả dịch vụ pháp lý là đối tượng được trợ giúp pháp lý phổ biến ở tất cả các nước trên thế giới.
Phóng viên: Xin bà cho biết dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có những quy định nào để nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Một trong những mục tiêu quan trọng xây dựng Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) là nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, dần dần xây dựng "thương hiệu" trợ giúp pháp lý là địa chỉ tin cậy cho người được trợ giúp pháp lý. Nhằm đạt mục tiêu này, dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, không quy định chế định cộng tác viên khác, nhằm nâng cao, chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý.
Về Trợ giúp viên pháp lý: So với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, dự thảo Luật đã bổ sung một điểm mới về điều kiện, tiêu chuẩn để trở thành trợ giúp viên pháp lý, đó là yêu cầu phải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết (Điều 19). Dự thảo Luật đã bổ sung điều kiện này là để nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý, bởi lẽ trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kinh nghiệm của người thực hiện trợ giúp pháp lý là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất tới chất lượng dịch vụ. Xét về tính chất nghề nghiệp, hoạt động của trợ giúp viên pháp lý tương đồng với hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, cần có thời gian thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ khi được chính thức cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý.
Quy định này có tính khả thi trên thực tiễn bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, để được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, một người cần có bằng cử nhân Luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư. Việc đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý như trong dự thảo Luật thực chất chỉ bổ sung một quy định là phải trải qua tập sự hành nghề để có kỹ năng cần thiết khi cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý. Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi), quy định về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý tại dự thảo nhận được sự đồng tình cao của đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý trong toàn quốc. Để khuyến khích việc thực hiện trợ giúp pháp lý tự nguyện của xã hội bằng nguồn lực của họ, dự thảo Luật tiếp tục kế thừa chế định đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý mang tính hình thức, chất lượng cung cấp dịch vụ không cao, dự thảo Luật đã chọn lọc, kế thừa yếu tố hợp lý từ quy định hiện hành, quy định những điều kiện cần thiết nhằm bảo đảm các tổ chức này có đủ điều kiện có nguồn lực để cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng.
Với định hướng tập trung vào vụ việc trợ giúp pháp lý, đặc biệt là các vụ việc tham gia tố tụng và nâng cao chất lượng dịch vụ, dự thảo Luật không quy định chế định cộng tác viên trợ giúp pháp lý khác. Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, yêu cầu về trình độ cộng tác viên trợ giúp pháp lý không đồng đều, kể cả những người không có trình độ đại học luật như già làng, trưởng bản... Đội ngũ này tuy đông nhưng tỷ lệ tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý trên thực tế còn hạn chế, nhiều người đã được cấp thẻ cộng tác viên, được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý nhưng không thực hiện trợ giúp pháp lý. Sau 9 năm thi hành Luật (từ năm 2007 - 2015), phần lớn các vụ việc tư vấn do cộng tác viên khác thực hiện là giải đáp vướng mắc pháp luật đơn giản, được thực hiện chủ yếu thông qua trợ giúp pháp lý lưu động. Hơn nữa, thực tế đa số cộng tác viên khác chỉ ghi danh mà không thực hiện trợ giúp pháp lý. Qua khảo sát thực tiễn lãnh đạo, Trung tâm trợ giúp pháp lý Hải Phòng và Quảng Bình cho biết tất cả cộng tác viên khác ở Hải Phòng, 93% cộng viên khác ở Quảng Bình không thực hiện trợ giúp pháp lý.
Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý không quy định chế định "cộng tác viên trợ giúp pháp lý khác" không ngăn cản họ thực hiện dịch vụ pháp lý miễn phí nếu họ đáp ứng các yêu cầu theo quy định của pháp luật có liên quan (ví dụ Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16/7/2008 về tư vấn pháp luật.
Phóng viên: Xin bà cho biết quan điểm về xã hội hóa đối với hoạt động trợ giúp pháp lý như thế nào?
Cục trưởng Nguyễn Thị Minh: Trợ giúp pháp lý được xác định là trách nhiệm xã hội của Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng yếu thế. Trợ giúp pháp lý khác với các dịch vụ công khác ở chỗ hoạt động trợ giúp pháp lý là hoàn toàn miễn phí đối với người thụ hưởng, người thực hiện không được nhận bất kỳ khoản thù lao, lợi ích vật chất hoặc lợi ích nào khác từ người được trợ giúp pháp lý. Do đó, xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý không giống với xã hội hóa hoạt động y tế, giáo dục, công chứng… (dịch vụ có thu phí). Xã hội hóa trợ giúp pháp lý là Nhà nước tạo cơ chế để các lực lượng xã hội (tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật, tư vấn viên pháp luật,) tự nguyện thực hiện trợ giúp pháp lý bằng nguồn lực của mình, giảm thiểu các vụ việc Nhà nước phải thực hiện và phải đầu tư ngân sách để chi trả. Điều 4 dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý quy định Nhà nước khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp, hỗ trợ phát triển hoạt động trợ giúp pháp lý. Chính phủ sẽ căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ và có hướng dẫn cụ thể về cơ chế này.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!