Tại Hội thảo Xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ góc nhìn các vấn đề dân số và bình đẳng giới do Ủy ban Về các vấn đề xã hội vừa tổ chức, các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng khẳng định, ở thời điểm hiện nay, việc tăng tuổi nghỉ hưu là tất yếu.
Theo Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh là, tốc độ già hóa dân số của nước ta đang diễn ra rất nhanh. Dự báo, đến năm 2030, tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta sẽ rất cao, chiếm khoảng 17% tổng dân số và đến năm 2050, con số này sẽ là khoảng 25%. Và như vậy, tỷ lệ dân số phụ thuộc (tỷ lệ giữa số người trên tuổi và dưới tuổi lao động so với người trong độ tuổi lao động) sẽ tăng. Điều này, một mặt sẽ tạo áp lực lên lực lượng lao động do phải gánh số lượng người phụ thuộc cao, mặt khác sẽ tạo ra các áp lực về bảo đảm an sinh xã hội và các dịch vụ xã hội cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, nước ta sẽ phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động nếu không mở rộng độ tuổi lao động thông qua việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, nguy cơ thiếu hụt lao động chắc chắn sẽ hiện hữu trong tương lai gần nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu ngay từ bây giờ.
Thực tế hiện nay cũng cho thấy, mặc dù Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu là 60 với nam, 55 với nữ nhưng sau độ tuổi này, tỷ lệ người tiếp tục làm việc rất cao.
Theo số liệu điều tra lao động việc làm giai đoạn 2012 - 2017, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm dân số tuổi từ 60 - 65 với nam và 55 - 60 với nữ là khoảng 70 - 72%. Tức là, sau độ tuổi lao động theo quy định hiện hành, nhu cầu làm việc của người dân vẫn còn rất cao và quan trọng hơn nữa là họ còn khả năng làm việc.
Việc mở rộng độ tuổi lao động, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ góp phần bảo đảm cân đối tài chính quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn dù việc nâng tuổi nghỉ hưu cũng chỉ đủ bù cho tác động của tuổi thọ gia tăng trong tương lai chứ không phải là biện pháp duy nhất cho nguy cơ mất cân đối của Quỹ.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm hiện nay cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều vì sẽ chỉ tác động đến một bộ phận người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, tức là bộ phận lao động làm công hưởng lương gồm công chức, viên chức và người lao động có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, chiếm khoảng 30% lực lượng lao động.
Về lo lắng việc tăng tuổi nghỉ hưu có làm mất cơ hội việc làm của nhóm lao động trẻ hay không?, bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc khẳng định, đó là một suy nghĩ không chính xác.
Người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc không có nghĩa là họ sẽ chiếm vị trí của lao động trẻ tuổi vì cơ cấu lao động và điều kiện lao động của hai nhóm này rất khác nhau. Khi người lao động nghỉ hưu thì thu nhập sẽ giảm xuống nhưng khi họ tiếp tục làm việc thì thu nhập sẽ tăng lên, nguồn thu nhập được bảo đảm sẽ khiến họ đẩy thêm các nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ và kéo theo đó sẽ là những cơ hội việc làm cho các nhóm lao động khác, trong đó có lao động trẻ.
Không nên quan niệm việc làm giống như một “miếng bánh” phải chia sẻ giữa người già và người trẻ. Các chính sách của Chính phủ hoàn toàn có thể mở rộng “miếng bánh” việc làm, thích ứng linh hoạt với các thay đổi của thị trường lao động để tạo thêm ngày càng nhiều cơ hội cho những nhóm lao động khác nhau.
Theo các chuyên gia, vấn đề không phải là có nên tăng tuổi nghỉ hưu hay không mà là làm thế nào tận dụng tối đa thời gian còn lại của thời kỳ “dân số vàng” để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, có chính sách linh hoạt để thích ứng với những thay đổi của thực tiễn.