Nghị định 126 có hiệu lực từ 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Go-Jek...sẽ có thay đổi.
Cụ thể, theo quy định mới của Nghị định 126/2020, thuế giá trị gia tăng (VAT) tăng từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ. Quy định được áp dụng từ hôm nay (5/12).
Như vậy số thuế khách hàng phải trả trên một cuốc xe sẽ nhiều hơn trước.
Đồng thời, trong trường hợp giá cước và tỷ lệ chiết khấu được giữ nguyên, thu nhập thực tế của tài xế sẽ giảm so với trước tuy tỷ lệ đóng thuế của tài xế thấp hơn.
Theo đại diện Grab Việt Nam, chính sách thuế VAT áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi khi Nghị định 126 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành.
Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác.
Grab cho biết sẽ áp dụng chính sách này từ 11 giờ sáng 5/12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng trên mỗi chuyến xe. Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên với tùy từng đối tác.
Từ ngày 5/12, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm từ 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi cây số tiếp theo). Tương tự, GrabCar bảy chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi cây số tiếp theo.
Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 500 đồng cho mỗi cây số tiếp theo. Trước đó, Grab cũng đã có thông báo gửi tới hành khách về việc điều chỉnh tăng giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood và giao hàng siêu tốc.
Hiện nay, khoảng 90% đối tác tài xế xe hai bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu. Theo tính toán, với quy định hiện hành, với một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5-12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, quy định về thuế mới sẽ áp dụng thống nhất đối với tất cả các loại hình dịch vụ vận tải.
Theo ông Minh, trách nhiệm kê khai thuộc về doanh nghiệp. Theo quy định mức khai là 10% và doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào. Với quy định này, lái xe chỉ có trách nhiệm khai và nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm. Người nào ở dưới mức này sẽ được hoàn lại thuế.
“Vì thế, đây không chỉ là vấn đề lợi ích của khách hàng, mà cũng chính là lợi ích của các tài xế. Người lái xe cũng cần hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình”, ông Minh nói.
Mặc dù Nghị định đã có hiệu lực từ hôm nay tuy nhiên các hãng cho biết vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể.
Đại diện từ Gojek Việt Nam cho biết hãng xe này vẫn đang tiếp tục trao đổi với các cơ quan chức năng để hiểu rõ các quy định có liên quan thuộc Nghị định 126.
Còn đại diện be Group cho biết sẽ tiếp tục chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế để có căn cứ chính xác thực hiện nghĩa vụ thuế và hỗ trợ tài xế tuân thủ các quy định của pháp luật.