Phát triển ngân hàng nội địa nhằm phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI luôn được đánh giá cần thiết là để cạnh tranh với ngân hàng ngoại trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho phân khúc khách hàng hấp dẫn này.
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/6/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 18,47 tỷ USD. Bên cạnh đó, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Việt Nam: Tiếp tục là điểm đến của nhà đầu tư
Số liệu trên cho thấy, niềm tin vào kết quả đầu tư ở Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng được gia tăng, phần lớn nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn tiếp cận, tìm hiểu khả năng đầu tư. Một minh chứng cụ thể, kết quả khảo sát chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu cho thấy các Công ty châu Âu đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Kết quả đánh giá trong quý 4 năm 2018 ở mức cao nhất kể từ cuối năm 2016, theo Eurocham, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với lạm phát thấp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tăng trưởng nhanh của Việt Nam.
Trong ấn phẩm Sách Trắng lần thứ 11 công bố tháng 3 vừa qua, EuroCham khẳng định, kể từ khi trở thành thành viên WTO năm 2007, Việt Nam đã thực hiện quá trình cải cách luật pháp trong nước để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và chính điều này đã tạo ra một môi trường đầu tư và thương mại hấp dẫn hơn cho FDI. Trên thực tế, chi phí kinh doanh thấp, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu tăng vọt và môi trường kinh tế phi điều tiết của Việt Nam giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho FDI.
“Việt Nam có một số lợi thế cạnh tranh khiến Việt Nam hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm chi phí sản xuất cạnh tranh, vị trí tốt ở Đông Nam Á, hiệu quả kinh tế mạnh mẽ và tiêu dùng trong nước tăng trưởng. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực thực hiện các cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thương mại. Do đó, chỉ số môi trường kinh doanh đã cải thiện, và điều này đóng góp đáng kể vào việc cắt giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp”, EuroCham nhấn mạnh.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã chính thức được ký kết cho thấy, tiềm năng của khu vực doanh nghiệp FDI đối với lĩnh vực ngân hàng sẽ càng ngày rất lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI hầu hết đều là các tập đoàn đa quốc gia, có kinh nghiệm đầu tư tại nhiều nước, với nền tảng tài chính mạnh, am hiểu kinh doanh quốc tế sâu rộng sẽ đòi hỏi các ngân hàng cần phải cung cấp dịch vụ toàn diện và hiện đại nhất. Nắm bắt được tình hình và xu hướng thị trường, Hội đồng thành viên, Ban điều hành Agribank đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách; đồng thời chỉ đạo quyết liệt các chi nhánh cần có những bước đi tiên phong trong việc xúc tiến hợp tác và cung cấp các sản phẩm dịch vụ đối với các doanh nghiệp FDI.
Agribank chi nhánh Khu công nghiệp Sóng Thần (KCN): Một trong những “ngọn cờ” phục vụ khách hàng FDI
Bình Dương là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 3.580 doanh nghiệp FDI hoạt động với tổng số vốn đăng ký hơn 33 tỷ USD với các nhà đầu tư lớn từ: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc … hoạt động chủ lực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Số liệu tính đến tháng 5/2019 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khối FDI đạt 8,39 tỷ USD chiếm 80,9% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tăng 13,4% so với cùng kỳ (toàn tỉnh đạt 10,36 tỷ USD tăng 12,2% so với cùng kỳ); kim ngạch nhập khẩu đạt 6,42 tỷ USD chiếm 84,2% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh, tăng 6,3% so với cùng kỳ (toàn tỉnh đạt 7,62 tỷ USD tăng 5,8% so với cùng kỳ). Cùng từ đầu năm đến tháng 5/2019, Bình Dương cũng đã thu hút 890,4 triệu USD, tăng 51,5% so với cùng kỳ, trong đó có 89 dự án đầu tư mới, đây là điều kiện và cơ hội cho chi nhánh phát triển khách hàng FDI.
Với thế mạnh là một chi nhánh có hoạt động thanh toán quốc tế khá hiệu quả từ khi thành lập và được trú đóng trên địa bàn nằm trong trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chi nhánh đã thường xuyên nắm bắt và triển khai kịp thời có hiệu quả các chính sách chủ trương của địa phương đối với khách hàng FDI thông qua việc chủ động liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư các khu công nghiệp, hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn, để từ đó, có thể tư vấn, hỗ trợ hoặc tiếp cận với phân khúc khách hàng FDI một cách thuận lợi.
Chỉ tính riêng doanh nghiệp có nguồn vốn FDI tại chi nhánh đến cuối 2018 đã đạt khoảng 1.703 tỷ đồng (chiếm 14,1%/tổng nguồn vốn huy động toàn chi nhánh). Nếu tính gộp cả chủ các doanh nghiệp là các cá nhân người nước ngoài thì tổng nguồn vốn huy động khối này khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 21%/tổng nguồn vốn tại chi nhánh, đồng thời nguồn vốn này tập trung hầu hết tại Hội sở chi nhánh (chiếm 45%/nguồn vốn của Hội sở). Tổng dư nợ chi nhánh 2018 đạt 9.057 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngoại tệ USD ở mức 80.970 ngàn USD, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng dư nợ, dư nợ khối khách hàng FDI chiếm 20% trong tổng dư nợ và ở mức 1.554 tỷ đồng (năm 2017); 1.832 tỷ đồng (năm 2018), chiếm tỷ trọng trên 50% so với tổng dư nợ khách hàng FDI của toàn hệ thống; Dư nợ cho vay khách hàng FDI tại chi nhánh hiện nay tập trung 3 nhóm ngành: Sản xuất kim loại và các sản phẩm kim loại (46% tổng dư nợ FDI), Sản xuất và chế biến các sản phẩm gỗ (25%); Dệt may, sản xuất da và giày dép (11%), đây cũng là 3 nhóm ngành hiện nay tỉnh Bình Dương đang thu hút rất mạnh nguồn vốn đầu tư.
Mặt khác, công tác tín dụng đối với khách hàng pháp nhân luôn được chú trọng, số lượng khách hàng pháp nhân có giao dịch tín dụng tại chi nhánh năm 2018 là 246 khách hàng và đến 31/05/2019 là 257 khách hàng, trong đó khách hàng FDI có giao dịch tín dụng năm 2018 là 56 khách hàng và đến 31/05/2019 là 49 khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% trong tổng số khách hàng FDI có giao dịch thường xuyên tại chi nhánh.Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của chi nhánh năm 2018 là 0.35%, (không có nợ xấu hay nợ bán VAMC đối với nhóm khách hàng FDI) có thể thấy hiệu quả trong đầu tư tín dụng tại chi nhánh đối với nhóm khách hàng này khá tốt.
Theo ông Tsai Wen Jui - Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển DDK Việt Nam, hiện đang có dư nợ 120 tỷ đồng và là khách hàng truyền thống với Agribank chi nhánh KCN Sóng Thần, cho biết: “Trong suốt 19 năm qua Agribank KCN Sóng Thần ngoài việc hỗ trợ chúng tôi về vốn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, hoàn tất các thủ tục pháp lý để thành lập Doanh nghiệp, hỗ trợ thanh toán quốc tế, chi lương cho nhân viên, giới thiệu đối tác làm ăn, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp an tâm sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Agribank cung cấp; chúng tôi rất hài lòng về phong cách phục vụ, sự tận tâm của cán bộ, nhân viên chi nhánh và hy vọng quan hệ của hai bên ngày càng tốt đẹp”.
Không “ngủ quên” trên thành quả
Ông Ngô Thành Trung – Phó Giám đốc Agribank KCN Sóng Thần cho biết: “xác định đây là nhóm khách hàng tiềm năng”, do vậy, cần phải chú trọng nâng cao chất lượng tư vấn và hỗ trợ nắm bắt kịp thời những khó khăn, phân tích đánh giá hiệu quả, qua đó phân loai, chăm sóc, đồng thời vận dụng linh hoạt các chính sách từ Agribank và tài chính của chi nhánh để áp dụng gói ưu đãi khép kín đối với các nhóm sản phẩm dịch vụ và quy mô, năng lực sản xuất của từng khách hàng FDI.
Mặt khác, không ngừng nâng cao ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ doanh nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực từ khâu tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, tái đào tạo một cách thuờng xuyên về sản phẩm dịch vụ, cập nhật các văn bản, kiến thức cần thiết theo xu hướng phát triển, dịch chuyển và thay đổi của khách hàng. Chủ động đào tạo đội ngũ nhân viên có khả năng giao tiếp ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Hoa cho đội ngũ nhân viên giao dịch trực tiếp khách hàng và nâng cao kỹ năng nhận diện khách hàng, . . nhằm gia tăng hiệu quả khi tiếp cận khách hàng.
Với kỳ vọng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu quả hơn nữa, chi nhánh mong muốn tiếp tục nhận được sự sẻ chia, phối hợp chặt chẽ, tích cực của lãnh đạo tỉnh đến các cơ quan quản lý nhà nước sớm được giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh nhằm gắn kết với các hiệp hội doanh nghiệp FDI, qua đó, giúp gia tăng được niềm tin đối với các nhà đầu tư, đồng thời tạo được hiệu ứng lớn đối với các nhà đầu tư mới khi đến với Việt Nam, Phó Giám đốc Ngô Thành Trung chia sẻ.