Tăng lương luôn là bài toán khó, nhất là trong tình hình ngân sách khó khăn hiện nay, nhưng không thế không giải quyết. Để tăng lương có hiệu quả và khả thi thì phải tinh giản biên chế, bên cạnh đó là yêu cầu công khai, minh bạch và đúng qui định.
Hơn 8 triệu người hưởng lương từ ngân sách
Tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), trong tình hình ngân sách khó khăn hiện nay khó bố trí được nguồn. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.
Ước tính, số lượng cán bộ công chức có gần 700.000 người, nhưng tổng số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, liên quan ngân sách nhà nước lại lên đến hơn 8 triệu người, do vậy, để cải cách tiền lương thì đòi hỏi một lượng tiền rất lớn. Lần gần đây nhất, để tăng lương cơ bản từ 930.000 lên 1.150.000 đồng, ngân sách nhà nước đã phải bỏ ra trên 44.000 tỷ đồng/năm.
Tăng lương phải đi kèm với tinh giản biên chế. Với bộ máy cồng kềnh, số lượng người hưởng lương ngân sách quá đông đảo như hiện nay thì tinh giản biên chế được đặt ra càng cấp thiết.
Giai đoạn 2015-2021, dự kiến tinh giản biên chế trên 296.000 người, chiếm 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Riêng năm 2016, ngân sách Trung ương sẽ bố trí 500 tỉ đồng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay, tổng số biên chế cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương đến cấp xã khoảng gần 3 triệu người. Trong đó, viên chức trên 2,3 triệu người; cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã 653.000 người (không bao gồm biên chế của công an, quân đội, lao động hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP).
Tăng lương phải đi kèm với tinh giản biên chế
Như vậy, theo Nghị định 108 của Chính phủ về tinh giản biên chế thực hiện trong giai đoạn 2015-2021 là 10% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được giao, dự kiến số đối tượng tinh giản khoảng 296.600 người.
Bộ Tài chính cho biết, kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với đối tượng thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với các địa phương tự đảm bảo thì tự cân đối kinh phí để chi trả.
Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí cho các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và hỗ trợ các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương 100% nhu cầu kinh phí tinh giản biên chế do ngân sách nhà nước cấp bổ sung.
Năm 2015, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội dành nguồn ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách tinh giản biên chế. Năm 2016, đã bố trí chung trong nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương và tinh giản biên chế. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, giai đoạn 2007-2011, đã thực hiện tinh giản biên chế 69.269 cán bộ, công chức, viên chức.
Kinh phí ngân sách Trung ương đã chi thực hiện cho tinh giản biên chế giai đoạn này là 3.158 tỉ đồng.
Thu nhập khối DNNN cao nhất
Theo kết quả khảo sát mới nhất về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước có thu nhập bình quân tháng cao nhất với 6,15 triệu đồng, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp nước ngoài là 5,09 triệu đồng, doanh nghiệp ngoài nhà nước 4,99 triệu đồng, khu vực cá thể là 3,66 triệu đồng và thấp nhất là khu vực hợp tác xã 2,84 triệu đồng.
Lý giải việc kết quả khảo sát lương của lao động cho thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước có mức lương cao nhất, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước là khu vực tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật cao hơn các khu vực khác, chỉ sau quản lý nhà nước và dịch vụ công. Do tiền lương phản ảnh song song với trình độ chuyên môn kỹ thuật nên khu vực này có mức lương bình quân cao hơn các khu vực còn lại.
Mặt khác, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, các doanh nghiệp nhà nước có thang lương bảng lương chuẩn hơn nên thống kê đầy đủ thu nhập hơn các khu vực khác. Đặc biệt, mô hình tiền lương độc quyền trong doanh nghiệp nhà nước là một trong những nguyên nhân của mức lương khu vực này cao. Công thức tiền lương hiện nay trong doanh nghiệp nhà nước là doanh thu tổng sản phẩm tăng lên thì tiền lương tăng lên. Trong khi đó, doanh thu tổng sản phẩm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố: Đầu tư của nhà nước, giá thành sản phẩm… những yếu tố này tăng thì doanh thu tăng nhưng chưa chắc hiệu quả kinh tế tăng.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh, việc tiền lương của doanh nghiệp nhà nước phải ở mức cao không nên ở mức thấp vì nó phản ảnh hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, tuy nhiên phải bỏ độc quyền trong mô hình xác định tiền lương để tiền lương phản ánh đúng hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát tại bản tin, thu nhập bình quân tháng của lao động theo nhóm nghề phản ánh song song với trình độ chuyên môn. Nhóm có mức tiền lương cao là lãnh đạo (7,3 triệu đồng) và lao động chuyên môn kỹ thuật cao (6,51 triệu đồng). Nhóm có mức lương trung bình là lao động chuyên môn kỹ thuật bậc trung (4,78 triệu đồng), thợ vận hành máy (4,68 triệu đồng), nhân viên (4,25 triệu đồng) và thợ thủ công (4,11 triệu đồng). Nhóm có mức lương thấp hơn là nhân viên dịch vụ cá nhân (3,77 triệu đồng), lao động kỹ thuật trong nông nghiệp (3,78 triệu đồng) và lao động giản đơn (3 triệu đồng).
Lương lãnh đạo doanh nghiệp công ích 2,6 tỷ đồng/năm
Hiện nay có thông tin về việc lãnh đạo các doanh nghiệp công ích của TP Hồ Chí Minh có mức lương cao nhất lên đến 2,6 tỷ đồng/năm, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Phạm Minh Huân cho rằng, mức lương khoảng 200 triệu đồng/tháng là quá cao, không có cách tính lương nào theo đúng quy định của Nhà nước lại cao như vậy.
Đối với các doanh nghiệp công ích, đơn giá tiền lương được tính cùng với hiệu quả, năng suất và bảo tồn vốn. Mức lương cao nhất theo quy định là 36 triệu đồng, hiệu quả cao sẽ cộng thêm 50% mức lương.
Theo Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/5/2013 đã quy định mức tiền lương trần tối đa tại các Tập đoàn kinh tế Nhà nước của Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty chuyên trách là 36 triệu đồng/tháng; Tổng giám đốc hoặc Giám đốc là 35 triệu đồng/tháng; Phó Tổng giám đốc và Phó Giám đốc là 32 triệu đồng/tháng và Kế toán trưởng là 29 triệu đồng/tháng.
Trong quy định đã ghi rất rõ việc đại diện chủ sở hữu phải kiểm soát việc chi tiền lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh, lợi nhuận để bảo toàn vốn Nhà nước.
Để làm rõ những sai phạm trong việc chi trả lương tại các doanh nghiệp công ích TP. Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh báo cáo cụ thể vụ việc. Bộ cũng đề nghị lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra và thanh tra toàn bộ các doanh nghiệp công ích trên địa bàn Thành phố. Sau kết quả thanh tra, nếu phát hiện ra có vấn đề, phải xử lý kịp thời.
Bộ cũng đã cử đoàn công tác vào TP. Hồ Chí Minh để kiểm tra, phân tích rõ việc thực hiện chính sách ở các doanh nghiệp công ích. Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho hay, từ thực trạng tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo Thủ tướng để rà soát, kiểm tra ở các tỉnh, thành phố khác.