Việc Chính phủ đã cân đối được nguồn ngân sách cho việc tăng lương, dẫu ít song cũng thể hiện được ý nguyện của cử tri và lời hứa của Chính phủ. Bên cạnh đó vẫn còn những băn khoăn, trăn trở…
Cố gắng của Chính phủ
Quốc hội vừa nhất trí thông qua Nghị quyết về dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016, trong đó quyết định từ ngày 1/5/2016, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng (khoảng 5%) đối với cán bộ, công chức (CBCC), viên chức, lực lượng vũ trang.
Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, thành viên hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, thực chất thì tăng 60.000 là quá thấp nhưng còn được nhân hệ số nữa nên cũng cải thiện một phần, trung bình mỗi người cũng tăng khoảng vài trăm nghìn một tháng. Thực tế tăng như vậy cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống. Nhưng đây cũng là một sự cố gắng của Chính phủ, bởi chi thêm 11 nghìn tỷ là không đơn giản chút nào. Tăng lương lần này cũng sẽ ảnh hưởng đến các khoản chi khác. Vì nếu không vì tăng lương thì sẽ được chi cho đầu tư phát triển tăng lên, đây cũng là một vấn đề.
Ông Lợi cũng khẳng định ngay từ đầu Chính phủ đã dự kiến là tăng đến hơn 8% nhưng vì không đảm bảo được nguồn nên phải xếp lại. Nhưng hiện giờ đời sống cán bộ công chức thực sự khó khăn nên Chính phủ quyết định như vậy. Với dự kiến ban đầu tăng hơn 8% thì mức tăng sẽ là 100 ngàn đồng, hết khoảng 29 ngàn tỷ đồng, cộng thêm tăng cho một số đối tượng khác nữa khoảng 35 ngàn tỷ đồng. Bây giờ tăng mức 60 ngàn, hết 11.000 tỷ đồng cũng là cố gắng lớn.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ủy viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với quyết định của Quốc hội. Bà Khá cho rằng, tăng ở mức 5% như vậy dù chưa đáp ứng được mức sống yêu cầu của người lao động, nhưng cũng là quyết tâm lớn của Chính phủ. Về phía người lao động nên thông cảm vì Chính phủ rất quyết tâm trong điều kiện thu ngân sách còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh việc tăng lương cơ sở phải sắp xếp lại bộ máy hành chính
Tuy nhiên, Bộ Tài chính nên cân đối một cách cụ thể, chặt chẽ hơn đặc biệt là nguồn chi thường xuyên. Phải cố gắng tiết kiệm nhiều hơn phần chi thường xuyên, đồng thời khai thác nguồn thu từ nợ thuế, phải quyết liệt thu đúng, thu đủ vào ngân sách, đảm bảo cân đối thu- chi.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá cũng đồng tình với việc đề nghị tăng lương với đối tượng về hưu trước năm 1993 vì có người chưa được bằng mức lương cơ sở. Còn một số đối tượng mới nghỉ hưu hay trong lực lượng vũ trang lương rất cao. Chính vì thế, phải cân đối lại, cân đối không có nghĩa là cào bằng mà ở mức hợp lý, để giảm khoảng cách giữa người nghỉ hưu và người lao động đương chức.
Những băn khoăn
Trao đổi với báo chí, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, lương là phần thu nhập để đảm bảo mức sống tối thiểu, chúng ta phải chăm lo, phải đảm bảo. Tăng lương, điều chỉnh lương là cần thiết nhưng cũng phải phù hợp với khả năng, ngân sách, tài chính.
Cùng với giải pháp tăng lương, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, cần có khuyến nghị với Chính phủ phải tiếp tục các giải pháp kiềm chế lạm phát. Vì không kiềm chế được lạm phát thì cứ tăng một chút là lại ảnh hưởng. Thứ hai là Chính phủ là phải sắp xếp bộ máy hành chính gọn lại, cải cách hành chính, tinh giản biên chế để cải cách tiền lương một cách căn cơ. Cải cách tiền lương không chỉ có tăng mức lương cơ sở, mà phải cải cách lại cả hệ thống thang lương bảng lương, các loại phụ cấp lương. Làm sao cho tiền lương đúng là lương, phần cứng phải hơn phần mềm. Thứ hai là tiền lương phải là đòn bẩy để tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, nếu chúng ta chỉ theo đuổi mục đích nâng lương cơ bản từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng như nghị quyết; thậm chí, thời gian tới tăng thêm xét cho cùng chỉ có nhà nước và người hưởng lương là thiệt. Vì tiền ít phải chia cho nhiều người. Trong khi đó, hiện tại bộ máy hành chính công không chỉ rườm rà nhiều biên chế, mà ngay bộ máy hệ thống chính trị... cũng cồng kềnh, chồng chéo. Vì vậy cần quy hoạch lại bộ máy chính trị, hành chính cho thực sự gọn nhẹ. Làm như vậy, ngân sách nhà nước không quá nặng cho chi lương, người hưởng lương cũng nhận được đồng lương cao mà đồng thời còn thực hiện được đúng chiến lược mà Bộ chính trị từng đề ra là thu gọn bộ máy chính quyền, đoàn thể, hệ thống chính trị lại với nhau để không xảy ra sự chồng chéo.
Đối với những cơ quan hưởng thụ ngân sách 100%, thì việc tăng lương không có gì phải lo lắng. Có chăng, với những đối tượng được tăng lương mà có thu nhập thấp cũng sẽ lo tăng lương có khi không bù nổi trượt giá. Nhiều ý kiến mong muốn, cùng với việc tăng lương, Chính phủ cũng như chính quyền địa phương phải có giải pháp mạnh để kìm giá.
Việc tăng lương thêm 5% bắt đầu từ 1/5/2016 về cơ bản áp dụng cho những nhóm thụ hưởng ngân sách nhà nước; nhưng với những đơn vị sự nghiệp có thu; cơ quan thuộc nhà nước (hệ thống đoàn thể, chính trị...) hạch toán độc lập chắc chắn cũng phải trả lương cho người lao động theo đúng quy định của Chính phủ. Đặt trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ quan có thể sẽ rất khó khăn khi phải lo nguồn tiền để tăng lương. Do đó, để giảm bớt khó khăn cho các loại hình đơn vị này, nên chăng khi cụ thể hóa nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần có những quy định việc cơ quan chủ quản của các đơn vị sự nghiệp trên trích phần quỹ ngân sách của đơn vị theo luật để hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp có thu... có nguồn chi cho việc tăng lương.
Trước ý kiến băn khoăn về việc lương tăng ít ỏi, nhưng giá cả lại tăng cao, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng: Chỉ số lạm phát của năm 2015 là đáng mừng vì nó chỉ trên dưới 2%. Nếu với tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% và với mức điều chỉnh lương của năm tới cỡ khoảng 5%, lạm phát giữ ở 2% thì việc điều chỉnh lương sẽ có ý nghĩa hơn.