Trước nhiều ý kiến về việc tăng giá điện, giá xăng cùng một lúc là không hợp lý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho rằng, trước khi điều chỉnh giá, các cơ quan có thẩm quyền đã cân nhắc thận trọng và chọn phương án bất lợi thấp nhất.
Việc điều chỉnh tăng giá xăng, điện không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô (Hình minh họa)
Liên quan đến việc nhiều ý kiến không đồng tình khi giá điện và giá xăng cùng lúc điều chỉnh tăng giá tạo sức ép gia tăng lạm phát, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và hoạt động của doanh nghiệp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên khẳng định việc điều chỉnh này không ảnh hưởng nhiều đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Dẫn chứng cho khẳng định trên, đại diện Chính phủ cho hay, đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/3/2015 ước tính làm tăng CPI của tháng 3/2015 khoảng 0,04%; việc điều chỉnh giá điện ước tính làm tăng CPI năm 2015 khoảng 0,18% - 0,23%.
“Việc điều hành giá xăng dầu đã cơ bản theo cơ chế thị trường; giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều chỉnh trên cơ sở biến động giá xăng dầu thế giới, kết hợp với các công cụ điều tiết thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế -xã hội theo quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu”, Bộ trưởng Nên cho biết.
Trong sản xuất, kinh doanh điện, nhiều thắc mắc cho rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thiếu minh bạch trong giá điện và Bộ Công thương chỉ dựa vào báo cáo của EVN để chấp thuận việc tăng giá là tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thiếu quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng.
Về vấn đề này, người phát ngôn của Chính phủ một lần nữa khẳng định, việc điều chỉnh tăng giá điện là phù hợp với cơ chế thị trường. Phương án điều chỉnh giá cũng được các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước thống nhất. Với việc điều chỉnh này, ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội sẽ tăng thêm mỗi năm khoảng 150 tỷ đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cũng cho biết, thực hiện Quyết định 24/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giá bán điện theo cơ chế thị trường, từ năm 2011, Tổ công tác liên ngành gồm đại diện các bộ, cơ quan liên quan như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phối hợp kiểm tra giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Qua đó, công bố công khai giá thành, chi phí sản xuất, tình trạng lỗ, lãi của EVN.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, trong những năm qua Bộ Công thương đã rất cố gắng, chỉ đạo tích cực việc công khai minh bạch đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh điện. Và, việc điều chỉnh tăng giá những mặt hàng trên là cần thiết, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.
“Việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu cùng trong tháng 3/2015 vừa qua đã được các cơ quan có thẩm quyền cân nhắc thận trọng, ngoài biến động các yếu tố chi phí đầu vào (có tăng, có giảm) còn đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá đến kinh tế, xã hội, trên cơ sở đó lựa chọn phương án có tác động bất lợi thấp nhất và hỗ trợ người tiêu dùng điện ở mức phù hợp”, đại diện Chính phủ nói.