Dù chưa xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào liên quan vi phạm về nồng độ cồn nhưng Thái Nguyên vẫn được xem là địa bàn phức tạp về tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.
Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ có nhiều diễn biến phức tạp, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) do lái xe vi phạm các quy định về nồng độ cồn, gây tai nạn làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong nhân dân. Dù chưa xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào liên quan vi phạm về nồng độ cồn nhưng Thái Nguyên vẫn được xem là địa bàn phức tạp về tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông.
Trên thực tế, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường xử lý các vi phạm về nồng độ cồn trên tất cả các tuyến đường. Trong đó, ngành công an đã tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý nghiêm các vi phạm về nồng độ cồn. Với sự chỉ đạo sát sao, quyết tâm xử phạt nghiêm minh, không có ngoại lệ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên địa bàn toàn tỉnh đã xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển các phương tiện ô tô, xe máy.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ đội CSGT – Công an thành phố Thái Nguyên, tình trạng chống đối, đối phó vẫn xảy ra khi lực lượng CSGT dừng xe kiểm tra. Nhiều người sau khi xuống xe, thay vì chấp hành ngay yêu cầu thổi khí để đo nồng độ cồn theo quy định, đã tìm cách gọi điện cầu cứu người thân, quen, can thiệp để được bỏ qua. Thậm chí có nhiều trường hợp khi bị dừng xe kiểm tra biết rõ mình chắc chắn vi phạm, đã gọi điện cho người thân quen để “dọa” lại cả lực lượng CSGT.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban ATGT quốc gia, UBND tỉnh, từ tháng 4-2019 đến nay, các lực lượng chức năng, đặc biệt là CSGT trên địa bàn toàn tỉnh đã ra quân xử lý vi phạm về nồng độ cồn. Bình quân mỗi tháng có hàng chục trường hợp vi phạm bị phạt tiền, tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn. Bên cạnh việc xử lý nghiêm theo quy định, lực lượng CSGT cũng đã tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các lái xe đã vi phạm cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân khi điều khiển phương tiện giao thông, không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia. Ngoài ra, lực lượng CSGT cũng tăng cường kiểm tra đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy. TP Thái Nguyên là một trong những địa bàn phức tạp nhất về tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe. Với hàng trăm quán bia, quán nhậu đang đua nhau mọc lên như nấm, số lượng ô tô, xe máy luôn tăng cao hàng năm, tình trạng sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông cũng tăng cao theo và diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2019, Công an TP Thái Nguyên đã lập các chốt kiểm tra, bố trí lực lượng, phương tiện tại các tuyến đường xung yếu, trọng điểm, đặc biệt là gần các khu vực tập trung nhiều quán nhậu, nhà hàng để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn.
Trong khi đó, một cuộc truyền thông lớn với chủ đề “Đã uống rượu, bia – không lái xe” đã được triển khai và có sự lan tỏa khá rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Các ban, ngành cấp tỉnh đã lồng ghép nội dung của thông điệp này trong các diễn dàn, buổi sinh hoạt tới nhiều tầng lớp nhân dân. Tỉnh đoàn Thái nguyên gắn nội dung tuyên truyền “Đã uống rượu, bia – không lái xe” vào diễn đàn thanh niên với văn hóa và ATGT, triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; Văn phòng Ban ATGT tỉnh phối hợp với Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức hình thức tuyên truyền sân khấu hóa tới các trường Đại học, cao đẳng và các khu dân cư; nhiều ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng tích cực hưởng ứng, tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân khi lái xe - không uống rượu, bia.
Cộng đồng mạng trên các trang diễn đàn, mạng xã hội tại Thái Nguyên đã khởi động một đợt truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Với nhiều hình thức như sử dụng ảnh nền, ảnh đại diện trên facebook của nhóm, của cá nhân, các trang fanpage, diễn đàn otofun bằng những hình ảnh phong phú, đa dạng; in ấn các tem (sticker) với chủ đề “Đã uống rượu, bia - không lái xe” tặng miễn phí cho các thành viên để dán lên các phương tiện, xem đó như là một cách hưởng ứng tích cực. Các cơ quan báo chí, truyền thông trong tỉnh cũng có nhiều hình thức đa dạng, dành thời lượng nhiều hơn để đẩy mạnh tuyên truyền về chủ đề này.
Rõ ràng, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, sự đồng tình, hưởng ứng từ cộng đồng xã hội bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực cho cuộc vận động “Đã uống rượu, bia - không lái xe” trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, tuy nhiên, yếu tố then chốt nhất đó chính là nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân khi điều khiển các phương tiện giao thông. Có như vậy, mới hình thành “Văn hóa giao thông” trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện cho người dân khi tham gia giao thông.