Ngày 03/5, TAND huyện Bình Chánh tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại TAND hai cấp Tp Hồ Chí Minh".
Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Tp Hồ Chí Minh về tiếp tục và mở rộng thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đây là một trong những đơn vị cơ sở cấp huyện đầu tiên của Tp Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị này. Với sự tham dự của TAND, VKSND, Thi hành án huyện; lãnh đạo các phòng, ban; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, cán bộ tư pháp các xã phường, thị trấn trong huyện và các cơ quan báo chí.
Báo cáo tại hội nghị, thẩm phán Đỗ Quốc Đạt, Chánh án TAND huyện Bình Chánh cho biết, hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một mô hình tiên tiến, hiệu quả để giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động hòa giải còn nhiều khó khăn như: các bên trong phiên hòa giải không hợp tác, người dân vẫn chưa quen với mô hình giải quyết tranh chấp mới này.
Thẩm phán Đỗ Quốc Đạt báo cáo tại hội nghị
Mặc khác, công tác tuyên truyền về công tác hòa giải, đối thoại chưa đến với người dân nên họ chưa hiểu những lợi ích của công tác hòa giải, đối thoại mang lại. Vì vậy, vai trò tuyên truyền, hướng dẫn của chính quyền cơ sở là rất quan trọng. Tuyên truyền để người dân hiểu hòa giải, đối thoại tại tòa án khác với hòa giải cơ sở là khi các bên thỏa thuận được với nhau thì có thể yêu cầu tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành, quyết định này có giá trị như bản án, quyết định của tòa án, nếu các bên không tự nguyện thi hành thì có thể yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật và người dân không phải chịu mức án phí cao như tòa án giải quyết các vụ án dân sự.
Hội nghị tuyên truyền về công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Bên cạnh đó, Thẩm phán Đỗ Quốc Đạt cũng đã giới thiệu mô hình, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hoạt động của hòa giải viên và đối thoại viên thực hiện nhằm hỗ trợ các bên thỏa thuận, thống nhất việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp khi có yêu cầu hoặc trước khi Tòa án thụ lý vụ việc theo quy định của pháp luật. Một vụ việc khi tham gia hòa giải sẽ được giải quyết một cách triệt để, không phải xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hay giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần gây mất thời gian, công sức và tiền của nhà nước và người dân.
Qua đó, có thể thấy được việc tổ chức hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ giúp các bên giải quyết mâu thuẫn bằng chính ý chí của mình tạo sự công bằng, thoải mái cho người tham gia phiên hòa giải chứ không phải là một phán quyết của tòa án thông qua phiên xét xử; qua đó, rút ngắn thời gian giải quyết vụ việc, tiết kiệm chi phí của Nhà nước và các bên, hàn gắn những rạn nứt trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.