Ủy viên Ủy ban Duma Quốc gia về các vấn đề quốc tế đến từ đảng Nước Nga thống nhất cho rằng, việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga đang đẩy nền kinh tế Ukraine đi vào “ngõ cụt”.
Quyết định tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm chống lại Nga mà Ukraine đưa ra đã có hiệu lực
Theo thông báo đăng tải trên cổng thông tin điện tử chính thức của Quốc hội Ukraine (Verkhovnaya Rada), việc tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga đã có hiệu lực.
Trước đó, ngày 17/10, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ký sắc lệnh mở rộng danh sách trừng phạt đối với các cá nhân và pháp nhân của Nga. Thông báo đăng tải trên trang web chính thức của Tổng thống Poroshenko xác nhận, Kiev đã thêm tên của 365 cá nhân và 167 pháp nhân Nga vào danh sách trừng phạt. Bên cạnh đó, thời hạn trừng phạt cũng được tiếp tục kéo dài thêm một năm.
Như vậy, có gần 700 người và hơn 270 pháp nhân Nga nằm trong danh sách trừng phạt với các hình thức khác nhau, từ cấm nhập cảnh và thu giữ tài sản đến cấm hoạt động kinh tế trên lãnh thổ Ukraine. Đáng chú ý, trong số này có tên các chính trị gia như Zhirinovsky, Rogozin, bà Elena Mizulina, ông Sergei Aksenov; cùng các tập đoàn như Bashneft, Rosoboronexport,UTair, Rostec, Rusal, OAK và hệ thống thanh toán Nga, theo Sputnik.
Bình luận về quyết định tăng cường các biện pháp chống Nga mà Verkhovnaya Rada đưa ra, ủy viên Ủy ban Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) về các vấn đề quốc tế Sergei Zheleznyak đến từ đảng Nước Nga thống nhất cho rằng, việc này đang đẩy nền kinh tế Ukraine đi vào “ngõ cụt”.
Về phía Moscow, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hội đồng Liên bang Nga Sergey Kalashnik tỏ ra khá lạc quan. Theo ông, lệnh cấm các hoạt động nhằm vào hệ thống thanh toán Nga ở Ukraine không có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến doanh nhiệp Nga.
Một thông tin khác liên quan đến quan hệ căng thẳng giữa Moscow và Kiev do những cáo buộc liên quan đến cuộc xung đột Ukraine: Cũng trong tuần này, Verkhovnaya Rada sẽ thông qua một nghị quyết kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) giảm một nửa khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga và từ chối dự án xây dựng đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.
Sputnik dẫn nguồn Izvestia cho biết, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Anna Gopko chính là tác giả của sáng kiến kể trên. Theo ông Gopko, chính - cái gọi là - “sự gây hấn của nước Nga” là lý do để Verkhovnaya Rada thông qua sáng kiến; trong khi một số ý kiến thì cho rằng, điều này sẽ trở thành yếu tố kiềm chế Moscow.