Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu những tháng cuối năm.
Ngày 26-9, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 25/CT-TTg gửi các Bộ, ngành, địa phương yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, cước vận tải, sữa, thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả các loại hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm, triệt để việc phòng, chống gian lận thương mại, chuyển giá, gian lận giá nhập khẩu và buôn lậu qua biên giới, nhất là các mặt hàng xăng dầu, thuốc lá, khoáng sản. Các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý tỷ giá, vàng... Chủ động xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường, giá cả hàng hóa và dịch vụ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và đào tạo và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo để giãn thời gian điều chỉnh giá một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá, kiểm soát như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; giá dịch vụ giáo dục (học phí); giá nước sạch sinh hoạt; giá cước xe buýt được Nhà nước trợ giá..
Khách hàng lựa chọn mua hàng tại một điểm bán hàng bình ổn giá. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tổ chức tốt khâu nhập khẩu và cung ứng xăng dầu, bảo đảm không được để thiếu nguồn, cũng như không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, gây tình trạng bất ổn cho thị trường trong nước; thực hiện tiết giảm tối đa chi phí sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện giãn tần suất và biên độ tăng giá khi giá thế giới tăng.
Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, nhất là việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ; báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi thực hiện.
Việc điều chỉnh giá than bán cho sản xuất điện thực hiện theo hướng bảo đảm bằng giá thành toàn bộ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành than, bảo đảm ổn định việc làm và đời sống người lao động.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tăng cường kiểm soát các yếu tố hình thành giá và việc xác định giá bán các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống; triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ thực hiện nghiêm quy định về đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giá.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới...
P.Lan