Ngày 20-2, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 218/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch cúm A (H5N1). Công điện nêu rõ, hiện nay dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1) đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm dập tắt d
Virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người do tiếp xúc với gia cầm bị bệnh.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2012 đến nay, cả nước có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có dịch cúm gia cầm gồm: Quảng Trị, Quảng Nam, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hà Nam, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa; Bộ Y tế đã ghi nhận 2 bệnh nhân tử vong do cúm A (H5N1) tại tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng.
Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm dập tắt dịch, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Huy động các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; Tổ chức tốt việc giám sát, phát hiện kịp thời bệnh dịch trên gia cầm và xử lý triệt để; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người để chỉ đạo các cấp, các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn của Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế về phòng, chống cúm A (H5N1) ở người. Các cơ sở phải kịp thời báo cáo đầy đủ tình hình diễn biến dịch tại địa phương về Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người: Chỉ đạo tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1), kịp thời cấp cứu, tích cực điều trị, hạn chế thấp nhất tổn thất tính mạng và sức khỏe người dân; cách ly, khoanh vùng xử lý triệt để, không để dịch lây lan. Kiểm tra rà soát, bảo đảm đủ cơ số trang bị y tế, thuốc và hóa chất thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch ở các tuyến. Đồng thời phân công lãnh đạo và đơn vị thường trực phòng, chống dịch trực 24/24 giờ để kịp thời thu thập, tiếp nhận thông tin và chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch theo nhu cầu; định kỳ tổng hợp và phân tích diễn biến tình hình dịch, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người ở Trung ương và địa phương.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm trên gia cầm, chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt việc tiêu độc, khử trùng các chuồng, trại chăn nuôi, phát hiện và xử lý sớm gia cầm ốm, chết, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo hệ thống thông tin báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ, các kiến thức về phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1); vận động việc không giết mổ, vận chuyển gia cầm ốm, chết và đặc biệt không sử dụng gia cầm ốm, chết để làm thực phẩm; chủ chăn nuôi tự giác khai báo ngay khi có gia cầm ốm, chết và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể nhân dân tích cực và chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp, ngành y tế và ngành nông nghiệp thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1).
PV