Tăng cường kiểm tra, giám đốc việc xét xử

PV| 09/11/2017 06:28
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tăng cường kiểm tra, giám đốc việc xét xử là một giải pháp quan trọng nhằm phát hiện kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ.

Các hoạt động này nhằm rút kinh nghiệm hoặc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai lầm nghiêm trọng, qua đó nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Trong thời gian qua, TANDTC đã tổ chức lại hệ thống các đơn vị thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong toàn hệ thống; xây dựng Quy chế kiểm tra trong TAND (ban hành kèm theo Quyết định số 346a/2017/QĐ-TANDTC của Chánh án TANDTC); đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra công tác nghiệp vụ của các Tòa án; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm của các TAND cấp cao.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra nghiệp vụ và kháng nghị, xét xử giám đốc thẩm trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, tồn tại. Một số lãnh đạo Tòa án chưa thực sự quan tâm làm tốt công tác tự kiểm tra; việc kiểm tra công tác nghiệp vụ của Tòa án cấp trên với Tòa án cấp dưới cũng chưa thực sự thường xuyên. Có nơi thực hiện kiểm tra mang tính qua loa, hình thức; kết thúc kiểm tra nhưng không chỉ ra cho đối tượng kiểm tra những điểm cần rút kinh nghiệm. Kế hoạch kiểm tra chưa thực sự khoa học, nên có tình trạng có đơn vị trong một thời gian ngắn nhưng phải kiểm tra nhiều lần, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; Chưa theo dõi quá trình khắc phục các hạn chế, tồn tại sau kiểm tra. Việc kháng nghị trong một số trường hợp còn thiếu căn cứ, thiếu tính thuyết phục. Việc xét xử giám đốc thẩm trong một số trường hợp không định hướng đường lối cho vòng tố tụng tiếp theo…

Trong thời gian tới, TANDTC sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra nghiệp vụ của các Tòa án. Ngoài hoạt động kiểm tra theo chuyên đề, định kỳ 1 năm phải tổ chức ít nhất 2 đợt kiểm tra chung đối với công tác xét xử của tòa án. Tăng cường công tác cán bộ cho các bộ phận thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ. Kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có chính sách hợp lý để thu hút nguồn cán bộ có chất lượng cao cho các đơn vị thực hiện chức năng này.

Các tòa án cần quan tâm thực hiện tốt công tác tự kiểm tra và phải coi đây là một việc làm thường xuyên. Đối với các TAND cấp cao cần kiểm tra để đề ra các giải pháp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, nhất là chất lượng kháng nghị.

Tăng cường kiểm tra, giám đốc việc xét xử

Tòa án quân sự Trung ương kiểm tra công tác nghiệp vụ năm 2017 đối với Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội

Các TAND cấp cao, TAQS Trung ương và các TAND cấp tỉnh tăng cường làm tốt công tác kiểm tra nghiệp vụ đối với các Tòa án thuộc thẩm quyền kiểm tra của mình, kết hợp giữa kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất.

TAND cấp tỉnh có trách nhiệm giảm sát chất lượng hoạt động chuyên môn của các TAND cấp huyện thuộc quyền quản lý thông qua thực hiện công tác kiểm tra nghiệp vụ nhằm phát hiện các sai sót để rút kinh nghiệm chung hoặc đề xuất kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khi phát hiện có sai lầm nghiêm trọng hoặc tình tiết mới. Khi đề xuất kháng nghị phải phân tích rõ những sai sót của bản án đã có hiệu lực pháp luật và định hướng khắc phục.

Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, các đoàn kiểm tra phải tổ chức buổi rút kinh nghiệm chung đối với đối tượng kiểm tra, phải chỉ ra những hạn chế, thiếu sót cần rút kinh nghiệm; đề xuất với cấp có thẩm quyền xem xét xử lý đối với những trường hợp có sai lầm nghiêm trọng; yêu cầu đối tượng kiểm tra báo cáo kết quả khắc phục các hạn chế, thiếu sót sau một thời gian nhất định.

Trong lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cần tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến những hạn chế, thiếu sót trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, như: chậm thụ lý yêu cầu khởi kiện của công dân; trả lại đơn khởi kiện không có căn cứ, không đúng pháp luật; tạm đình chỉ giải quyết các vụ án không có căn cứ pháp luật; trả hồ sơ điều tra bổ sung thiếu căn cứ; để án quá hạn luật định; cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật; tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan cao; có nhiều bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự…

Liên quan đến công tác kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, thời gian tới TANDTC sẽ xây dựng Chỉ thị của Chánh án TANDTC để chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của công tác này. Việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đối với những vi phạm nhỏ về tố tụng mà không ảnh hưởng tới nội dung giải quyết vụ án thì không nên kháng nghị mà chỉ cần rút kinh nghiệm với Tòa án đã ban hành bản án, quyết định đó. Cân nhăc kỹ lưỡng việc kháng nghị đối với các trường hợp đã thi hành án xong và không có vướng mắc gì hoặc các trường hợp nếu có kháng nghị để xét xử giám đốc thẩm hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại, nhưng thực tế thì không thể làm gì được thêm; không kháng nghị với ý thức cho xong việc và đổ cái khó cho tòa án cấp dưới.

Khắc phục triệt để tình trạng đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết lại vụ án hoặc kháng nghị nhưng sau đó lại phải rút kháng nghị tại phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Các TAND cấp cao phải xem xét, giải quyết đề xuất kháng nghị của TAND cấp tỉnh trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị kháng nghị. Trước khi quyết định kháng nghị đối với bản án mà TANDTC (trước đây) đã trả lời không có căn cứ kháng nghị phải báo cáo Chánh án TANDTC. Các Tòa án có liên quan phải thực hiện nghiêm túc quy định về việc chuyển hồ sơ vụ án phục vụ công tác xem xét kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo các Thông tư liên tịch số 02,03 giữa TANDTC và VKSNDTC.

Quyết định giám đốc thẩm phải định hướng rõ đường lối giải quyết vụ việc cho các vòng tố tụng sau, tránh tình trạng hủy án để xét xử lại nhưng không rõ định hướng giải quyết và đặc biệt cần khắc phục tình trạng mỗi lần xét xử giám đốc thẩm thì định hướng của cấp giám đốc thẩm lại khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.

Sau khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, cấp giám đốc thẩm cần gửi ngay quyết định cho Tòa án cấp dưới để biết và chuẩn bị các thủ tục cho vòng tố tụng tiếp theo, tránh tình trạng sau một thời gian dài sau khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm thì Tòa án cấp dưới mới nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và vụ việc đã được thi hành án, gây bức xúc trong dư luận và tạo ra khó khăn cho vòng tố tụng tiếp theo.

Các vụ án mà cấp giám đốc thẩm xét xử thường là những vụ án đã được giải quyết qua nhiều cấp xét xử, do đó các Tòa án có bản án, quyết định bị cấp giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại, sau khi nhận được quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm cần khẩn trương hoàn tất thủ tục để đưa ra xét xử nhằm sớm giải quyết dứt điểm vụ án. Quá trình xét xử lại cần tuân thủ định hướng của cấp giám đốc thẩm, vì đó là nhằm đảm bảo sự áp dụng thống nhất quy định của pháp luật trong giải quyết các loại vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra, giám đốc việc xét xử