Thực hiện chủ trương của Chính phủ về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt nên tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện bước đầu được kiềm chế.
Tác động xấu đối với hạ tầng giao thông
Trong mấy năm gần đây, tình trạng xe quá khổ, quá tải gây hậu quả rất lớn đối với hạ tầng giao thông đang ở mức báo động. Nhiều tuyến đường dù đã được xây dựng theo đúng quy chuẩn nhưng chẳng bao lâu đã xuống cấp, thủ phạm chính là do xe quá khổ, quá tải gây ra. Tình trạng xe quá khổ quá tải cũng đã nhiều lần “nóng” ở diễn đàn Quốc hội. Trước đó đã có những giải pháp được đưa ra để ngăn chặn và xử lý xe quá khổ, quá tải. Tuy nhiên, tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn cứ tái diễn.
Tình trạng lái xe, chủ xe cố tình trốn tránh, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng; hiện tượng xe quá tải, quá khổ tham gia giao thông tiếp tục xuất hiện trên một số tuyến đường bộ, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường dân sinh và các tuyến đường gần khu vực tập kết hàng hóa, kho, cảng, bến bãi, nhà ga, mỏ vật liệu… gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp; làm mất trật tự, an toàn giao thông và hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Điều đó khiến dư luận hoài nghi là do lực lượng chức năng còn mỏng để không rà soát, kiểm tra và xử lý kịp thời các phương tiện này? Hay do có sự làm ngơ của lực lượng chức năng trong khi thực thi nhiệm vụ?
Dù không có số liệu thống kê chính thức về tiêu cực trong khi xử lý các chủ phương tiện giao thông, nhưng tình trạng vi phạm của một số cá nhân có thẩm quyền xử lý vi phạm trong trật tự an toàn giao thông là có thật. Bởi đã có không ít trường hợp các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông nhận tiền mãi lộ để bỏ qua vi phạm được báo chí phản ánh trong suốt thời gian vừa qua.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe
Những cá nhân vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ này chỉ là số ít nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, uy tín của lực lượng chức năng, đến tính nghiêm minh trong thực thi và tuân thủ pháp luật. Đồng thời, hình thành tâm lý tiêu cực của người tham gia giao thông là vi phạm có thể thỏa thuận được bằng tiền. Dư luận băn khoăn về tình trạng làm ngơ trong xử lý xe quá khổ, quá tải cũng là điều dễ hiểu.
Để những tuyến đường, những cây cầu không phải “cõng” quá tải trọng cho phép; để giảm thiểu những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra do xe quá khổ, quá tải gây ra, cùng với việc sớm hoàn thành việc lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định; ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối hàng hóa, kho, bãi, bến cảng và cần xử lý thật nghiêm các cơ quan, cá nhân vi phạm. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm đối với cá nhân có biểu hiện “làm ngơ”, buông lỏng trong thực thi nhiệm vụ.
Xe quá khổ, quá tải bước đầu được kiềm chế
Thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định về tải trọng; kiểm soát phương tiện vận tải quân sự chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện, thời gian qua, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Quốc phòng, UBND và Ban ATGT các địa phương đã ban hành và thực hiện nhiều đợt kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông, tình hình vi phạm các quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện bước đầu được kiềm chế.
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, trong năm 2018, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định, Thanh tra các Sở GTVT... đã tiến hành cân kiểm tra 166.002 xe, trong đó có tới 17.989 xe vi phạm; tước 6.206 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 199,82 tỷ đồng. Công tác kiểm soát tải trọng phương tiện tiếp tục được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt trên toàn quốc.
Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban ngành của địa phương tăng cường kiểm soát trọng tải xe, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tăng cường lực lượng kiểm tra tải trọng xe, nhiều địa phương tổ chức triển khai quyết liệt, hiệu quả như Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Đà Nẵng, TPHCM. Đặc biệt, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định xây dựng hệ thống truyền nhận dữ liệu và quản lý tải trọng phương tiện vận chuyển tại các mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh (27 mỏ đá, 35 trạm cân); giao Ban ATGT tỉnh giám sát tải trọng phương tiện vận chuyển đi qua hệ thống giám sát tải trọng phương tiện do doanh nghiệp quản lý; ban hành quy chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của cơ quản lý nhà nước, đầu mối hàng hoá và đơn vị vận tải trong quản lý, vận hành hệ thống giám sát tải trọng phương tiện.
Cũng trong năm 2018, Cục Cảnh sát giao thông cũng đã ban hành 2 kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác điều tra cơ bản, xác định các địa bàn phức tạp về vi phạm tải trọng qua đó bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm; thành lập 55 lượt tổ công tác do lãnh đạo Cục và Trưởng phòng nghiệp vụ của Cục trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn Công an các địa phương, tăng cường công tác bảo đảm TTATGT, công tác kiểm soát tải trọng xe, triệt để sử dụng hệ thống cân tải trọng cố định tại các trạm cảnh sát giao thông kết hợp cân tải trọng xách tay di động hoặc cân điện tử của các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để kiểm soát tải trọng xe, tập trung các tuyến quốc lộ và các địa bàn, địa phương trọng điểm.
Bộ Công an cũng đã yêu cầu công an các địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng tham mưu UBND tỉnh, thành phố có chỉ đạo về công tác kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn địa phương. Đồng thời, 63/63 Công an các địa phương đã xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm soát tải trọng xe. Còn Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện tại đầu nguồn hàng; triển khai ký cam kết đối với các cảng thủy nội địa, các doanh nghiệp vận tải, các chủ mỏ vật liệu xây dựng và các chủ dự án....; Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường kiểm soát xe quá tải tại các đầu mối nguồn hàng và kiểm soát đột xuất xử lý tại các điểm nóng có dấu hiệu vi phạm tải trọng trên các tuyến quốc lộ trọng điểm.
Áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp
Theo một số chuyên gia, để giải bài toán chống xe chở hàng quá tải cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả về pháp lý lẫn kinh tế xã hội mới hy vọng đạt được hiệu quả như mong muốn. Trước hết việc kiểm tra tải trọng xe phải có lộ trình cụ thể, cần triển khai từng bước, trước mắt nên tập trung áp dụng đối với các loại xe có mức quá tải lớn; Phải thay đổi đối tượng xử phạt, thêm trách nhiệm pháp lý của chủ hàng, chủ xe và các đối tượng có liên quan; Thay đổi phương thức kiểm tra tải trọng xe, tập trung kiểm tra tại các điểm xuất phát hàng, hạn chế việc kiểm tra tải trọng trên đường dễ phát sinh tiêu cực; Việc kiểm tra tải trọng xe phải gắn liền với việc công nhận tải trọng thiết kế của phương tiện, đặc biệt là cần phải ghi nhận tải trọng xe chuyên dụng đầu kéo kéo sơ mi-rơ moóc chở container và hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Điều quan trọng nữa là việc kiểm tra tải trọng xe phải triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước, kiểm tra liên tục và lâu dài để bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật. Kế hoạch kiểm tra tải trong xe phải áp dụng một cách đồng bộ, thực hiện liên tục và lâu dài trên phạm vi cả nước để bảo đảm sự bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải. Không nên kiểm tra trong một thời gian ngắn theo từng đợt để đối phó với chỉ đạo của UBND các địa phương, mỗi năm hai đợt tăng cường kiểm tra tải trọng xe tương ứng với hai lần Ủy ban chủ trì sơ kết công tác an toàn giao thông trên địa bàn như cách làm hiện nay. Không kiểm tra liên tục và lâu dài thì xong mỗi đợt kiểm tra, xe chở hàng quá tải lại cứ diễn ra như thường, điều này dẫn đến tâm lý đối phó trong giới lái xe và doanh nghiệp vận tải.
Ngoài việc nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nâng chế tài xử phạt, Thanh tra nhiều Sở GT-VT còn kiến nghị, cần tước phù hiệu đối với các phương tiện vi phạm nhiều lần; thu hồi giấy phép kinh doanh của các đơn vị có nhiều phương tiện vi phạm... Bởi trên thực tế hiện nay chế tài xử lý đối với các đơn vị đầu mối bốc xếp hàng hóa cũng như phương tiện vận tải vi phạm theo quy định chưa đủ sức răn đe. Vì lợi nhuận, một số trường hợp sau khi bị lực lượng chức năng xử lý, cắt phần thành thùng vi phạm đã tự ý hàn lại để tái vi phạm. Trước kỳ “khám” kiểm định xe, các phương tiện lại thay thùng hàng hoặc cắt phần cơi nới vi phạm, sau khi kiểm định xong lắp lại như trước. Ngoài ra, hệ thống biển hạn chế tải trọng cầu, đường bộ còn thiếu, chưa đồng bộ nên khó cho lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm.
Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải phá nát kết cấu hạ tầng giao thông, cần phải khảo sát, cắm bổ sung biển hạn chế tải trọng phương tiện tại các tuyến đê; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính đối với việc xếp hàng hóa lên xe ô tô sai quy định; UBND các tỉnh, thành cũng cần chỉ đạo chính quyền cấp cơ sở và các lực lượng chức năng đóng trên địa bàn phối hợp với Thanh tra GT-VT để kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các mỏ khai thác vật liệu, các bãi khai thác, trung chuyển vật liệu xây dựng. Đối với các phương tiện vi phạm nhiều lần, có thể tước phù hiệu, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải có thời hạn đối với doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải.