Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động để ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về lao động nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người lao động (NLĐ), giúp NLĐ giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội, hạn chế xung đột với người sử dụng lao động.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội (LĐTB&XH) thành phố Hà Nội, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật của các Sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã đã thu hút được sự tham gia đông đảo của người lao động và doanh nghiệp. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật lao động đã được triển khai và nhân rộng.
Nâng cao ý thức pháp luật cho người lao động hạn chế được hiện tượng đình công, kiện tụng, tranh cãi...
Hàng năm, các cấp, ngành Thành phố đã tổ chức tuyên truyền chính sách pháp luật lao động, luật BHXH cho khoảng 82.500 lượt người, 3.000 lượt doanh nghiệp với kinh phí tuyên truyền bình quân gần 01 tỷ đồng/năm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động được triển khai thực hiện với nhiều nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng thông qua các hình thức tuyên truyền khác nhau.
Phối hợp tổ chức các cuộc thi viết tuyên truyền theo từng chuyên đề trên báo trung ương và địa phương. Tổ chức thi tìm hiểu chính sách pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động, xây dựng, phát sóng chuyên mục hỏi đáp, phóng sự tọa đàm về chính sách pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội phát trên Đài truyền hình.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chính sách pháp luật qua các phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ hàng tuần tại sàn giao dịch việc làm Thành phố. Hướng dẫn thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra về chính sách pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, các hội nghị tập huấn, đối thoại về chính sách pháp luật lao động, Luật BHXH cho người lao động và người sử dụng lao động…
Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động. Qua đó, góp phần giảm bớt các vụ đình công, tranh chấp lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.
Tạo cơ chế để doanh nghiệp nhận thức được vai trò quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lao động
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới và người lao động tham gia vào thị trường lao động tại Việt Nam nói chung ngày càng tăng nhanh. Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của cả nước nên số lượng doanh nghiệp cũng sẽ tăng theo. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lao động là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Để thực hiện được nhiệm vụ này, đòi hỏi các cấp, các ngành đặc biệt là UBND thành phố Hà Nội cần có sự quan tâm phát triển nguồn nhân lực, thời gian, phương tiện và kinh phí để triển khai công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật lao động. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đưa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới họat động của doanh nghiệp... thành một trong những chỉ tiêu đánh giá doanh nghiệp (theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ được ban hành kèm theo Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg) nhằm khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động trong chính doanh nghiệp mình.