Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, miễn giảm các loại phí…là những biện pháp các TCTD triển khai để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN, người dân khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN) cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu.
Cập nhật đến ngày 4/3/2020, có 23 tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo NHNN, ước tính có khoảng 926 ngàn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 TCTD này, và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống. Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: nông, lâm nghiệp & thủy sản, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục…
Bước đầu ghi nhận các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Ông Hùng cho biết, đến nay, các TCTD đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Bước đầu ghi nhận từ các TCTD hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng... để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại.
Cũng tính đến ngày 04/03/2020 đã có thêm 15 ngân hàng tham gia chương trình miễn/giảm phí giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, nâng tổng số ngân hàng tham gia miễn/giảm phí lên 32/45 ngân hàng thành viên của Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS). Việc này nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch an toàn qua các kênh ngân hàng điện tử Internet Banking, Mobile Banking hoặc thanh toán không dùng tiền mặt nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đã và đang giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng để giúp các TCTD giảm chi phí, hạ lãi suất, qua đó gián tiếp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Mới đây, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/2/2020.
NHNN cho hiết, Thông tư 01 đảm bảo cơ sở pháp lý hướng dẫn các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Quan điểm xây dựng Thông tư là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đồng thời, Thông tư mới cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các TCTD và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, đảm bảo đúng đối tượng, tính khách quan và không được lợi dụng.
Theo ông Nguyễn Trọng Du – Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH), Thông tư 01 có một số nội dung chính như phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Miễn giảm lãi, phí; Giữ nguyên nhóm nợ; Trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước…
Trước đó, lãnh đạo NHNN cũng đã đề nghị các TCTD phải có phương án nghiên cứu phân định loại nợ, xác định nợ, đánh giá nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn, hoãn, giãn, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ doanh nghiệp ở tình thế khó khăn. Các TCTD chủ động, chú trích lập lãi dự thu phải làm theo đúng quy định, chủ động giảm bớt chi phí đặc biệt là chi phí quản lý hành chính. Riêng đối với Ngân hàng chính sách xã hội phải xây dựng kịch bản chương trình hành động nhằm hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gặp khó khăn và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...Lãnh đạo NHNN cũng cho biết khác với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2009 khi việc hỗ trợ cho doanh nghiệp được thực hiện bằng nguồn ngân sách (cấp bù lãi suất), thì lần này nguồn chính từ lợi nhuận của các ngân hàng.