Chính trị

Tăng cường giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội

Duy Tuấn 13/12/2023 - 20:10

Với 100% Ủy viên tham gia biểu quyết tán thành, chiều 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội

Báo cáo tóm tắt ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành với sự cần thiết và mục đích, quan điểm xây dựng Nghị quyết.

gs-hoangthanhtung.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Theo ông Tùng, việc hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cần bảo đảm thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật HĐGS của QH và HĐND) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Ngoài ra, các hướng dẫn của Nghị quyết phải cụ thể, chi tiết, khả thi, dễ hiểu, dễ thực hiện, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

Về trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phải phản ánh đúng bản chất của hoạt động giải trình và thực tiễn hoạt động giải trình thời gian qua; đồng thời, quy trình các bước chuẩn bị, tiến hành, ban hành kết luận phiên giải trình cần khẩn trương, đáp ứng yêu cầu kịp thời xem xét, giải quyết những vấn đề nóng, bức xúc trong xã hội.

Liên quan đến các nội dung còn có ý kiến khác nhau, về tính chất pháp lý, trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đồng tình với cơ quan soạn thảo và cho rằng, Nghị quyết này không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản hướng dẫn có tính chất cẩm nang để hướng dẫn thực hiện thống nhất việc tổ chức hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

gstc2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Nghị quyết không đặt ra các quy định mới mà cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện quy định trong các luật có liên quan về lựa chọn, quyết định nội dung giải trình, trình tự tổ chức hoạt động giải trình, thực hiện kết luận giải trình, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan… tương tự như nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật và nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND đã được Ủy ban của Quốc hội ban hành.

Về tính chất của hoạt động giải trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo xác định phạm vi hướng dẫn của Nghị quyết là đối với hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, là một trong các phương thức giám sát của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, không mở rộng đối với “giải trình” trong công tác xây dựng pháp luật. Thông qua hoạt động giải trình sẽ góp phần làm rõ hiệu lực, hiệu quả của công tác tổ chức thực hiện pháp luật, những vướng mắc, bất cập (nếu có) của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, là nguồn thông tin đầu vào quan trọng phục vụ công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật. Theo đó, đề nghị chỉnh lý Điều 1 theo hướng Nghị quyết này hướng dẫn hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội quy định tại Điều 43 của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND.

gsatc1.jpeg
100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành dự thảo Nghị quyết

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định số lượng tối thiểu phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội cần phải tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm.

Việc lựa chọn nội dung và quyết định tổ chức phiên giải trình phải căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn tại Điều 4 của dự thảo Nghị quyết và nên linh hoạt để Hội đồng Dân tộc, Ủy ban quyết định lựa chọn hình thức giám sát phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế để tiến hành giám sát đối với vấn đề có bất cập, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.

Liên quan đến các nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, về tiêu chí lựa chọn vấn đề được giải trình (Điều 4), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc hướng dẫn loại trừ không tiến hành giải trình đối với vấn đề đã ghi trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có hiệu lực thi hành chưa quá 12 tháng tính đến thời điểm tổ chức phiên giải trình vì sẽ hạn chế quyền chủ động của các cơ quan của Quốc hội quyết định tổ chức phiên giải trình đối với vấn đề bức xúc phát sinh trong thực tiễn, được dư luận quan tâm mặc dù chưa hết thời hạn 12 tháng nêu trên.

Về hoạt động giải trình do 2 cơ quan của Quốc hội trở lên cùng tổ chức (khoản 2 Điều 9, khoản 2 Điều 14), Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không hướng dẫn hình thức phiên giải trình do 2 cơ quan của Quốc hội trở lên cùng tổ chức như trong dự thảo Nghị quyết mà nghiên cứu hướng dẫn việc phối hợp tổ chức như thực tế đang thực hiện trong thời gian qua.

Trong trường hợp vấn đề cần giải trình có nội dung phức tạp, liên quan đến lĩnh vực phụ trách của nhiều cơ quan của Quốc hội thì có thể đề nghị Ủy ban của Quốc hội tổ chức hình thức giám sát phù hợp (có thể là hình thức chất vấn hoặc giám sát chuyên đề).

Phương thức mới của hoạt động giám sát

Trình bày Tờ trình tóm tắt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc tổ chức các phiên giải trình đã góp phần làm rõ, giải quyết kịp thời những vấn đề bất cập, bức xúc trong đời sống xã hội, những vấn đề “nóng”, mang tính thời sự, được cử tri và nhân dân quan tâm; qua đó, nâng cao trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

gsbuivancuong.jpeg
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động giải trình tại phiên họp của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội là một phương thức hoạt động giám sát, không phải là hoạt động của công tác lập pháp. Điều này khác với hoạt động điều trần của nghị viện một số nước. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết này là văn bản hướng dẫn việc thi hành các quy định của các luật có liên quan nên cần phải phù hợp với quy định của các luật.

Vì vậy, dự thảo Nghị quyết cần được tiếp tục hoàn thiện theo hướng hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là một trong các phương thức của hoạt động giám sát, không mở rộng ra hoạt động lập pháp.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý kiến đề nghị tổ chức theo chương trình giám sát hằng năm, đa số ý kiến nhất trí với quy định tại khoản 2 Điều 6 của dự thảo Nghị quyết; theo đó, hằng năm, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tổ chức ít nhất 01 phiên giải trình theo chương trình giám sát. Ý kiến khác cho rằng không nên quy định cứng như dự thảo, vì việc tổ chức phiên giải trình phải căn cứ vào tình hình cụ thể và điều kiện, khối lượng công việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong năm; do đó, nên giao quyền quyết định số lượng phiên giải trình cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Về vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, để góp phần nâng cao kết quả hoạt động giám sát của Quốc hội trong thời gian tới, tại Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định “tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội” và tại Kết luận số 843-KL/ĐĐQH15 ngày 03/8/2022, Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu các Tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội”.

nkdinhgs1.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đây là văn bản hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Về tính chất hoạt động giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, quy định giải trình theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, không phải theo giám sát hay pháp luật, tức là không giới hạn.

Về số lượng tối thiểu phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, không quy định là 1 phiên nhưng phải quy định là trong chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội phải có nội dung giải trình. Còn vấn đề có bao nhiêu tùy thuộc vào Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong quá trình làm có thể chia thành từng quý, từng tháng hoặc đột xuất, phát sinh hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao. Quy trình của các vấn đề này phải khác nhau.

Liên quan đến kết luận tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định phải kết luận tại phiên giải trình, không kết luận tại phiên họp thêm. Đồng thời Ủy ban của Quốc hội đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội, cơ quan Văn phòng Quốc hội cùng với Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp, trong đó Văn phòng Quốc hội chủ trì biên soạn về mặt kỹ thuật, kèm theo Báo cáo tiếp thu giải trình ngắn gọn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội