Trước diễn biến bất thường của thiên tai, mưa lũ, tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương triển khai các phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro, xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, hiệu quả, không để bị động trước tình huống khẩn cấp.
Chiều 14/7, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã chủ trì cuộc họp về công tác khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang, từ ngày 1 đến 14/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt mưa lớn kèm dông lốc, sét. Đặc biệt, từ ngày 1 đến 3/7, lượng mưa phổ biến từ 100 – 200mm. Một số địa phương ghi nhận lượng mưa lớn như xã Bắc Quang (150mm), Linh Hồ (135mm), Nấm Dẩn (119mm)…
Mưa lớn đã làm 2 người chết, 1 người bị thương; 164 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập lụt hoặc phải di dời khẩn cấp; hơn 35ha cây trồng bị ngập úng, vùi lấp. Nhiều tuyến giao thông huyết mạch như QL279, QL280, QL2C, QL3B, QL2 và các tuyến đường liên xã bị sạt lở, hư hỏng nặng. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các cấp đã kịp thời cử cán bộ xuống cơ sở, chỉ đạo tổ dân phố, thôn, bản triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận, đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp, nhằm triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai. Nhiều ý kiến cho rằng, mô hình mới đang bộc lộ sự bị động, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành tại cơ sở khi tình huống khẩn cấp xảy ra.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Tuấn nhấn mạnh: Thiên tai ngày càng diễn biến bất thường, mưa lớn, lũ quét đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân và các công trình hạ tầng. Tuy nhiên, khi thực hiện chính quyền hai cấp, một số địa phương chưa chủ động, còn bị động trong ứng phó và khắc phục hậu quả.
Ông Tuấn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường – cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn – khẩn trương tham mưu cho tỉnh các phương án ứng phó phù hợp với cấp độ rủi ro; đồng thời xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền trong chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền.
Đặc biệt, các xã, phường, thị trấn cần chủ động, linh hoạt triển khai hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai. Tăng cường công tác cảnh báo, dự báo, thông tin liên lạc; đảm bảo không bị động, bất ngờ trước các tình huống phát sinh; khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống người dân, sớm khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.