TANDTC tổ chức tập huấn chuyên đề "Luật tố tụng hành chính"

Đỗ Việt| 25/03/2019 18:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 25/3, TANDTC tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề Luật tố tụng hành chính thông qua hình thức trực tuyến.

Tham dự Hội nghị tập huấn có Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thúy Hiền; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC; các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và các điểm cầu trong hệ thống TAND...

Tại Hội nghị, PGS, TS Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán TANDTC đã giới thiệu về những điểm mới, quan trọng của Luật tố tụng hành chính 2015, đồng thời truyền đạt và giảng giải về những khó khăn vướng mắc và một số sai sót thường gặp trong giải quyết vụ án hành chính.

TANDTC tổ chức tập huấn chuyên đề

PGS, TS Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán TANDTC trao đổi tại Hội nghị

Theo đó, Luật Tố tụng hành chính được kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Luật gồm 23 chương, 372 điều, có nhiều thay đổi cơ bản so với Luật Tố tụng hành chính năm 2010, trong đó sửa đổi, bổ sung 198 điều, giữ nguyên 63 điều, bổ sung mới 111 điều.

PGS, TS Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán TANDTC cho biết, luật Tố tụng hành chính 2015 có một số quy định mới, khắc phục những hạn chế gặp phải trong xét xử án hành chính thời gian qua, từ đó bảo đảm trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết các vụ án hành chính, từng bước nâng cao chất lượng xét xử án hành chính.

Cụ thể, tại Điều 31 và 32, Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của TAND cấp huyện và TAND tỉnh có sự thay đổi. Cụ thể, những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm (trước đây, nội dung này do TAND cấp huyện giải quyết).

TANDTC tổ chức tập huấn chuyên đề

Quang cảnh Hội nghị

Quy định này khắc phục được tình trạng nể nang của TAND cấp huyện trong việc phải tiến hành xét xử đối với những vụ án mà bên bị kiện là cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương. Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính còn quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này.

Đây là quy định hoàn toàn mới nhằm khắc phục những bất cập trong xét xử án hành chính. Vì trên thực tế thời gian qua cho thấy hầu hết người bị kiện là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính Nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới như cán bộ thanh tra, văn phòng. Những người được ủy quyền lại không có quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định hành chính bị kiện khiến việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa không hiệu quả; việc giải quyết vụ án kéo dài, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử.

PGS, TS Nguyễn Văn Thuân, Thẩm phán TANDTC nhấn mạnh, luật tố tụng hành chính là một trong những đạo luật quan trọng về tố tụng, trực tiếp liên quan đến tổ chức và hoạt động của TAND, nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Qua công tác tập huấn chuyên đề nhằm giúp cho các Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ  xét xử hiểu đúng tinh thần pháp luật, nắm bắt những quy định của luật để thực thi đúng trình tự, thủ tục trong giải quyết vụ án hành chính.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức tập huấn chuyên đề "Luật tố tụng hành chính"