TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự

Quang Trung| 17/10/2014 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/10, tại TP. Vũng Tàu, TANDTC đã tổ chức Hội nghị Tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS).

Đến dự và chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo; ông Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Phó ban Thường trực Ban soạn thảo; bà Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; ông Trần Hồng Nguyên, Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; ông Nguyễn Văn Hiến, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; lãnh đạo các Tòa chuyên trách, Vụ, Viện thuộc TANDTC, lãnh đạo 26 TAND, đại diện các cơ quan tư pháp và luật sư các tỉnh phía Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, Trưởng Ban soạn thảo cho biết: Thực tiễn thi hành BLTTDS đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn; có những quy định chưa phù hợp, còn có những cách hiểu khác nhau, có những quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Trên cở sở nội dung tổng kết, Ban soạn thảo Dự án Luật thống nhất quan điểm, định hướng sửa đổi toàn diện BLTTDS, trên tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo và đáp ứng được các yêu cầu như: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp; bảo đảm cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp năm 2013, khẳng định Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền dân chủ, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân, đảm bảo tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Phạm vi sửa đổi BLTTDS là cơ bản, toàn diện, có tính hệ thống, xuyên suốt quá trình tố tụng, đặc biệt tập trung vào những quy định nhằm phù hợp với việc cải cách cơ cấu, tổ chức hệ thống TAND, VKSND, đảm bảo tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật tố tụng dân sự; đảm bảo việc giải quyết các vụ việc dân sự dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, đồng thời hoàn thiện trình tự, thủ tục TTDS theo hướng chặt chẽ, nhanh chóng, đúng pháp luật.

TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự

Toàn cảnh Hội nghị

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu nêu những vướng mắc trong quá trình áp dụng BLTTDS và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn BLTTDS. Trao đổi, thảo luận, cho ý kiến thẳng thắn, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điều luật cụ thể nhằm hoàn thiện của BLTTDS. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo đề nghị các đại biểu lưu ý một số nội dung mới như: Quy định về thủ tục rút gọn giải quyết các vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng, cơ chế đối với séc, hối phiếu, cơ chế hối thúc trả nợ; sáp nhập Dự án Luật Tố tụng lao động vào Dự án BLTTDS sửa đổi; xây dựng nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo tranh tụng theo quy định tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp 2013; xác định rõ hơn về vị trí của VKS trong tố tụng dân sự; quy định cụ thể về thẩm quyền của TAND các cấp theo quy định của Luật Tổ chức TAND sửa đổi; quy định trình tự, thủ tục tố tụng từ khi Tòa án nhận đơn của đương sự, thụ lý đơn, giải quyết và xét xử phải đảm bảo tính chặt chẽ, đảm bảo quyền và lợi ích của đương sự; xây dựng và phát triển án lệ theo hướng tạo nguồn án lệ để TAND các cấp tham khảo trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Thay mặt Ban soạn thảo, Phó Chánh án TANDTC Tống Anh Hào trình bày khái quát về tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS. Theo đó, gần 10 năm thi hành, BLTTDS đã góp phần rất lớn đối với việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho hoạt động tố tụng. So với quy định của các Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động thì việc xây dựng và ban hành BLTTDS đã có bước tiến đột phá trong công tác xây dựng pháp luật tố tụng dân sự của nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLTTDS đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trên cơ sở tổng kết, TAND các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung 142/418 điều, đề nghị bổ sung 21 điều, đề nghị hướng dẫn 16 điều của BLTTDS. Trong đó, đa số các ý kiến tập trung kiến nghị về các vấn đề: Đảm bảo nguyên tắc tranh tụng; thẩm quyền của Tòa án; chứng minh, chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu; đình chỉ giải quyết vụ án; các chi phí tố tụng; thủ tục giải quyết việc dân sự; thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; quy định một số vấn đề đặc thù của việc giải quyết tranh chấp lao động; công nhận kết quả hòa giải ở cơ sở; áp dụng án lệ trong xét xử.

Hội nghị tiếp tục nghe các đại biểu trình bày tham luận, kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS. Báo Công lý sẽ thông tin chi tiết trong số báo sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự