Trong 2 ngày 23 và 24/10, tại Tp. Huế, TANDTC tổ chức Hội nghị tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS). Đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh; đại diện lãnh đạo các Tòa chuyên trách, Viện khoa họcxét xử, Ban Thư ký, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng và Báo Công lý; đại diện Lãnh đạo, Thẩm phán của 12 TAND các tỉnh khu vực miền Trung; đại diện các cơ quan tư pháp của tỉnh Thừa Thiên Huế và một số luật sư, chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương.
Đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo cho biết: BLTTDS được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2005. Trải qua 10 năm thi hành, Bộ luật đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng dân sự, dân chủ, công khai, đơn giản, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng dân sự; bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLTTDS đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, mâu thuẫn; có những quy định chưa phù hợp, còn có những cách hiểu khác nhau, có những quy định mâu thuẫn với quy phạm pháp luật khác, có những quy định chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… Việc tổ chức Hội nghị này nhằm mục đích để Tòa án các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan báo cáo tình hình thi hành BLTTDS tại địa phương, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS của TANDTC.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Đặng Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu: Với vai trò trách nhiệm là địa phương được TANDTC chọn là nơi tổ chức Hội nghị lần này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp chủ động tham gia, đóng góp vào quá trình sửa đổi BLTTDS. Đồng chí mong muốn với truyền thống tự hào hơn 65 năm tổ chức và hoạt động, hệ thống TAND sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đóng góp tích cực vào mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính TANDTC, Tổ trưởng Tổ biên tập trình bày Báo cáo tại Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính TANDTC, Tổ trưởng Tổ biên tập trình bày khái quát việc tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS. Trên cơ sở bước đầu tổng kết, TAND các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi, bổ sung 142/148 điều; đề nghị bổ sung 21 điều; đề nghị hướng dẫn 16 điều của BLTTDS. Trong đó, đa số các ý kiến tập trung kiến nghị về các vấn đề: đảm bảo nguyên tắc tranh tụng; thẩm quyền của Tòa án; chứng minh, chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu; đình chỉ giải quyết vụ án; các chi phí tố tụng; thủ tục giải quyết việc dân sự; thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC…
Toàn cảnh Hội nghị
Trong hai ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã nghe 11 bài tham luận và nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí lãnh đạo, Thẩm phán của các Toà án địa phương về Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành BLTTDS và những kiến nghị, đề xuất nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện BLTTDS một cách toàn diện, theo hướng thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp năm 2013 và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung BLTTDS hiện hành. Các ý kiến tập trung kiến nghị về các vấn đề: đảm bảo nguyên tắc tranh tụng; thẩm quyền của Tòa án; chứng minh, chứng cứ; áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu; đình chỉ giải quyết vụ án;… Phần lớn các TAND địa phương có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự; quy định một số vấn đề đặc thù của việc giải quyết tranh chấp lao động; công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở, áp dụng án lệ trong xét xử… Nhiều ý kiến kiến nghị pháp điển một số nội dung tại các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn BLTTDS nhằm đảm bảo hiệu lực pháp lý và tính thống nhất trong áp dụng pháp luật TTDS.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án TANDTC, Ủy viên thường trực Ban soạn thảo nhấn mạnh: Hai ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, các đại biểu đã nêu ra nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng BLTTDS và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn BLTTDS tại Tòa án địa phương hoặc cơ quan, đơn vị mình; trao đổi, thảo luận, cho ý kiến thẳng thắn đối với tất cả những vấn đề của Dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTDS. Đồng thời cũng đưa ra những đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điều luật cụ thể nhằm hoàn thiện quy định của BLTTDS. Đồng chí đánh giá cao và ghi nhận những tham luận của các báo cáo viên cũng như những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã trình bày trước Hội nghị. Đồng chí Tống Anh Hào cho rằng, Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật định hướng đến năm 2020 theo Nghị quyết số 48-NQ/TW, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp mà trọng tâm là tổ chức và hoạt động của TAND theo hướng xác định TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Đây chính là những căn cứ pháp lý mới xác định yêu cầu cần phải sửa đổi toàn diện tổ chức và hoạt động của Tòa án. Trên cơ sở các ý kiến tại Hội nghị này, Tổ biên tập sẽ tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự thảo Báo cáo; đồng thời nghiên cứu xây dựng Dự thảo BLTTDS (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và đáp ứng mục tiêu sửa đổi BLTTDS một cách toàn diện, phù hợp với Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cụ thể hóa tinh thần mới của Hiến pháp 2013 và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.