Ngày 5/4, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức chương trình “Gặp mặt các nhà tài trợ” là đối tác, bè bạn của TANDTC trong nhiều năm qua.
Ngày 5/4, tại Hà Nội, TANDTC đã tổ chức chương trình “Gặp mặt các nhà tài trợ” là đối tác, bè bạn của TANDTC trong nhiều năm qua, nhằm điểm lại những thành tựu TANDTC đã đạt được trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, đồng thời giới thiệu một số nhiệm vụ, định hướng công tác trong những năm tới.
Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC; Đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng của TANDTC cùng Đại diện các Đại sứ quán và các Cơ quan phát triển quốc tế của nhiều quốc gia.
Nhiều thành tựu trong hợp tác quốc tế
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, trong quá trình triển khai nhiệm vụ về cải cách tư pháp, TANDTC đã nhận được sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế trong lĩnh vực luật pháp và tư pháp như: Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA), Cộng đồng Châu Âu (EU), các tổ chức thuộc Liên hợp quốc tại Hà Nội như UNDP, UNICEF, UNODC; Công ty tài chính quốc tế (IFC), Cơ quan phát triển quốc tế Úc (AusAID), Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Đại sứ quán Anh và một số đối tác khác cùng chung sức hỗ trợ TANDTC hoàn thành hiệu quả nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dưới nhiều hình thức khác nhau đã mang lại những đóng góp không nhỏ cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp nói riêng và sự phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam nói chung.
Đồng chí Nguyễn Thúy Hiền - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại buổi gặp mặt
Về xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, với sự hỗ trợ của KOICA, TANDTC đã xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực của Học viện Tòa án đã được nâng lên một tầm cao mới. Học viện Tòa án nay trở thành trung tâm đào tạo chủ yếu, đảm bảo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định và lâu dài cho hệ thống Tòa án trong tương lai.
Cùng với đó là sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) trong việc hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND tỉnh Đồng Tháp. Việc xây dựng và đưa vào hoạt động Tòa gia đình trong hệ thống TAND là một bước tiến mới, là giải pháp có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực thi Công ước quốc tế về quyền trẻ em, bảo vệ quyền con người và bảo vệ công lý.
Về công tác xây dựng pháp luật và tăng cường năng lực xét xử, hệ thống TAND cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ phía các nhà tài trợ trong quá trình nghiên cứu, thực hiện các Dự án Luật, như: Luật tổ chức TAND, Luật phá sản, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính...; hỗ trợ công tác đào tạo bồi dưỡng thực thi luật và pháp lệnh sau khi ban hành; soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trong năm 2018, TANDTC đã triển khai thành công Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Với sự hỗ trợ của JICA, TANDTC đã tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho hòa giải viên với sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia đến từ Nhật Bản.
Hiện nay, TANDTC được Quốc hội giao là cơ quan chủ trì xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Theo kế hoạch, JICA, Liên minh châu Âu EU, UNDP tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện Luật này.
Về xây dựng và phát triển công nghệ thông tin Tòa án, với sự hỗ trợ của KOICA, TANDTC triển khai Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam”, thời gian triển khai từ 2019-2022 với 2 mục tiêu chính là tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử.
Với sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật của Hàn Quốc, một quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, đây sẽ là bước đột phá mới trong việc ứng dụng công nghệ thông tin Tòa án trong tương lai.
Toàn cảnh buổi gặp mặt
Về xây dựng và phát triển hệ thống án lệ, JICA, Liên minh châu Âu (EU) đã hỗ trợ thông qua việc cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm, tâm huyết sang Việt Nam đào tạo, cung cấp tài liệu, đưa ra những bình luận, góp ý nhằm hoàn thiện hệ thống án lệ của Việt Nam, hỗ trợ công tác xây dựng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về án lệ.
Ngoài ra, các nghiên cứu, hội thảo và tập huấn về án lệ và việc áp dụng án lệ trong công tác xét xử cũng được các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài chú trọng thực hiện. Nhiều chuyên gia quốc tế đã được mời tham gia trình bày tại các hội thảo, tập huấn này. Những hoạt động này phần nào đã góp phần cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức của Thẩm phán, cán bộ Tòa án về án lệ và vai trò của việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ án tại Tòa án.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng tư pháp, TANDTC đã nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ KOICA, Liên minh Châu Âu (EU)… Những hoạt động trong khuôn khổ Dự án góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là Thẩm phán có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đảm bảo hoạt động xét xử được công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý, hỗ trợ hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Về xây dựng và hoàn thiện thể chế cho TAND, TANDTC tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải cách tổng thể cơ cấu tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND theo tinh thần Nghị quyết số 49 - NQ/TW, thông qua “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án”.
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng đề án, TANDTC đã tích cực tham khảo kinh nghiệm tổ chức tòa án của nhiều quốc gia trong hệ thống thông luật và hệ thống dân luật như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… Đến nay, TAND đã xây dựng theo mô hình hệ thống TAND 4 cấp theo thẩm quyền xét xử nhằm tăng cường độc lập tư pháp theo Luật tổ chức TAND năm 2014.
Về hoạt động cải cách hành chính tư pháp đã được triển khai thí điểm từ năm 2009-2012 trong khuôn khổ Dự án do CIDA tài trợ. Những cải cách ban đầu theo hướng tăng cường chất lượng phục vụ nhân dân, thay đổi nhận thức, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ công chức trong hệ thống Tòa án, phát huy sự chủ động, sáng tạo của mỗi cá nhân vì mục tiêu chung. TANDTC đã xây dựng và thực hiện thành công mô hình một cửa, đảm bảo thuận tiện cho người dân khi tiếp xúc với Tòa án, đảm bảo nhanh gọn, hiệu quả các công tác hành chính tư pháp của TAND.
Ông Vijaya Ratnam Raman - Cố vấn pháp lý về quyền trẻ em của UNICEF chia sẻ tại buổi gặp mặt
Về xây dựng và tăng cường năng lực, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ luôn là vấn đề then chốt, là chìa khóa để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dưới sự hỗ trợ của UNODC, năm 2018, TANDTC đã ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, trong đó quy định cụ thể những chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của Thẩm phán. Bộ Quy tắc được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Cán bộ, công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng, các đạo luật về tố tụng và các văn bản quy phạm luật có liên quan; tham khảo có chọn lọc quy định trong Bộ quy tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002, Hiến chương Thẩm phán toàn cầu, Quy tắc đạo đức đối với thành viên và cựu thành viên Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu 2016; quy định về đạo đức và ứng xử của Thẩm phán tại một số quốc gia trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều cuốn Sổ tay chuyên môn đã được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của nhiều nhà tài trợ. Hệ thống Sổ tay này được các Thẩm phán, cán bộ tòa án đánh giá là rất thiết thực, phục vụ hữu ích công việc chuyên môn hàng ngày, đồng thời còn được sử dụng như là tài liệu giảng dạy cho những người mới được bổ nhiệm; được giới luật sư, luật gia, giảng viên luật coi là tài liệu tham khảo giá trị.
“Sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế góp phần không nhỏ cho công cuộc đổi mới và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào, tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Tòa án trong việc tăng cường chất lượng phục vụ, chất lượng hoạt động, qua đó nâng cao niềm tin của nhân dân vào hệ thống Toà án. Nhìn lại chặng đường đã qua, các quý vị cũng như chúng tôi đều phấn khởi và tự hào về những thành quả mà chúng ta đã chung tay xây dựng cho sự phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam”, Phó Chánh án Nguyễn Thúy Hiền khẳng định.
Tiếp tục đưa hợp tác lên tầm cao mới
Trao đổi tại buổi gặp mặt, ông Kim Jinoh - Giám đốc quốc gia, Văn phòng KOICA tại Việt Nam cho biết, Đại diện cho Chính phủ Hàn Quốc, KOICA đã có quan hệ hợp tác với TANDTC Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua. Bắt đầu với dự án “Tăng cường năng lực cho Trường Cán bộ Tòa án”” vào năm 2013 và bắt đầu từ năm 2019, Dự án tăng cường minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử của TANDTC Việt Nam sẽ chính thức được thực hiện.
“Trong lịch sử hợp tác đó, Toà án Tối cao Hàn Quốc đã đóng vai trò rất lớn, là một đối tác hợp tác mạnh mẽ, tích cực. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất mà Toà án Tối cao Hàn Quốc đã phái cử dài hạn Thẩm phán đương nhiệm sang phụ trách quản lý dự án hỗ trợ không hoàn lại ở nước ngoài. Điều đó cũng cho thấy, mối quan hệ hợp tác với Tòa án Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng với Chính phủ Hàn Quốc”, ông Kim Jinoh nói.
Đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC bày tỏ mong muốn các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành và hỗ trợ TANDTC vì mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch
Nhìn lại chặng đường hơn 15 năm hợp tác giữa TANDTC và các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, đồng chí Lê Hồng Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh án TANDTC đánh giá cao những kết qủa đã đạt được thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, cũng như các hoạt động hợp tác quốc tế. Các hoạt động này vừa góp phần đáp ứng những yêu cầu cấp thiết trước mắt, vừa gợi mở những ý tưởng, cơ hội hợp tác lâu dài, bền chặt và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của hệ thống TAND Việt Nam.
Với những nỗ lực của toàn hệ thống Tòa án và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ nước ngoài, những năm qua, hệ thống Toà án nhân dân Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong thời gian tới, TANDTC tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đột phá nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới như: Mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, trước hết là quan hệ song phương với các nước, các đối tác chiến lược quan trọng và các nước trong khu vực; tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho các hoạt động triển khai thực thi pháp luật của TAND.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin Tòa án, hướng tới xây dựng mô hình Tòa án điện tử trong tương lai.; Tăng cường phát triển án lệ và áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của các TAND; Tiếp tục phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực của hệ thống TAND nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất, hoàn thiện thế chế; Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2020; Chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực cho Tòa án thông qua việc nâng cao chất lượng của Học viện Tòa án.
“Để hoàn thiện các mục tiêu này, TANDTC hoan nghênh mọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, tạo điều kiện về vật chất để chúng tôi xây dựng một nền tư pháp trong sạch, minh bạch và công bằng cho người dân. Đồng thời trân trọng cảm ơn các cơ quan, đối tác, bạn bè quốc tế vì những đóng góp cho hệ thống Tòa án Việt Nam trong thời gian qua. Chúng tôi luôn ghi nhận, đánh giá cao và sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác với bạn bè quốc tế trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau”, Phó Chánh án Lê Hồng Quang nhấn mạnh.