TANDTC cải cách tư pháp mạnh mẽ và tăng cường kỷ luật công vụ

Bình Nguyên| 07/11/2022 14:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là một trong các nội dung đáng chú ý tại Báo cáo công tác 2022 được Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình gửi đến Quốc hội.

Nhiều hoạt động thúc đẩy cải cách tư pháp

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, bên cạnh công tác xét xử, việc xây dựng pháp luật có những điểm đáng chú ý.

051120221141-z3854264176748_11e04d27e0fd168c33ecd45635e772c3.jpg

Theo đó, TANDTC đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Tiếp đến là việc xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP hướng dẫn Điều 201 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo và thông qua Nghị quyết về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;…

Đặc biệt, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã thông qua 13 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 56 án lệ. Trong năm qua, có 162 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

Cũng theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, TANDTC đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng Chuyên đề số 21 về “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo sự phân công của Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền;

TANDTC cũng tham gia xây dựng Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; tổ chức các Hội thảo khoa học “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Tọa đàm tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học pháp lý đóng góp ý kiến đối với dự thảo các Đề án. Qua đó, đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể phù hợp với thực tiễn của đất nước và xu thế chung của thế giới làm căn cứ đề xuất các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.

TANDTC cũng là đơn vị đầu tiên đã triển khai xây dựng Kế hoạch số 08-KH/BCSĐ ngày 08/10/2021 để thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính, nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với đó là xây dựng Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia hoạt động xét xử của Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, bảo đảm việc nhân dân tham gia giám sát và thực hiện quyền làm chủ đối với hoạt động xét xử của Tòa án.

TANDTC cũng đang tổ chức hoàn thiện dự thảo Đề án “xây dựng Tòa án điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trình Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong Tòa án nhân dân năm 2022; tổ chức tốt các lớp đào tạo các chức danh tư pháp thuộc Tòa án nhân dân ; thường xuyên quan tâm cử công chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng trong nước và nước ngoài.

Các Tòa án đã tăng cường tự đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn trực tuyến và thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm. Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức được 13.238 phiên tòa rút kinh nghiệm (gồm 8.322 phiên tòa hình sự, 4.916 phiên tòa dân sự và hành chính), qua đó giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa.

Tăng cường kỷ luật công vụ

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, TANDTC đặc biệt tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đề cao kỷ cương, kỷ luật công vụ

Theo đó, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công chức có chức danh tư pháp tiếp tục được kiện toàn, bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Hiện Tòa án nhân dân có 04 Phó giáo sư; 54 Tiến sỹ, 2.494 Thạc sỹ, 10.567 cử nhân và 266 trình độ khác. Về trình độ lý luận chính trị, có 2.168 người có trình độ cao cấp, 161 người có trình độ cử nhân, 4.272 người có trình độ trung cấp chính trị. Đến nay, TAND đã tinh giản đủ 10% biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong năm qua, Chánh án TANDTC đã trình Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm 1.286 Thẩm phán (bổ nhiệm mới 682 Thẩm phán, bổ nhiệm lại 604 Thẩm phán) và miễn nhiệm đối với 10 Thẩm phán. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý tiếp tục được quan tâm.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ và xử lý công chức, người lao động có hành vi vi phạm được tiến hành nghiêm túc.

202110231440523040_23.10-qh-12-.jpg
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC.

TANDTC đã tổ chức 03 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ , qua đó chỉ ra những thiếu sót, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của công chức, Thẩm phán, các Tòa án đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, Ban Cán sự đảng TANDTC đã ban hành Công văn số 361-CV/BCSĐ ngày 26/8/2022 về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ trong Tòa án nhân dân, trong đó yêu cầu tăng cường và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường quản lý cán bộ, siết chặt công tác kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ;

Hoạt động giám sát đối với Thẩm phán được tăng cường. Việc thẩm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán, hồ sơ miễn nhiệm, hồ sơ đề nghị bổ nhiệm chức vụ được thực hiện thận trọng, kịp thời, đúng quy định. Các TAND tỉnh cũng tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn đối với TAND cấp huyện theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm những sai sót chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ việc.

Trong năm qua, có 36 công chức TAND đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó: 33 trường hợp bị xử lý kỷ luật về hành chính (khiển trách 22 trường hợp , cảnh cáo 05 trường hợp, buộc thôi việc 06 trường hợp); 03 trường hợp bị khởi tố, đang trong thời gian chưa xem xét xử lý kỷ luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC cải cách tư pháp mạnh mẽ và tăng cường kỷ luật công vụ