Ngày 19/6, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; lãnh đạo TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, VKSND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh, các ban ngành TP. Hồ Chí Minh, các TAND Cụm thi đua số IV và tập thể lãnh đạo, Thẩm phán, Thẩm tra viên TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh.
Thay mặt lãnh đạo TAND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chánh án TAND TP. Hồ Chí Minh báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2010 - 2015 của TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng trong những năm tới.
Theo đó, trong 5 năm qua, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh luôn chủ động phát động các phong trào thi đua yêu nước; đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động phong trào với các hình thức thi đua phong phú, có chủ đề, có tiêu chí cụ thể, nội dung thiết thực. Qua đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng học tập rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức. Đồng thời nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chủ đề xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND các cấp”.
Định kỳ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND TP. Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng kịp thời và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong các đợt thi đua, đồng thời đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trên xét tặng các hình thức khen thưởng cao hơn để động viên cán bộ, công nhân viên chức tích cực tham gia các phong trào thi đua, gắn liền với nội dung hoạt động chuyên môn, các hoạt động xã hội từ thiện, văn nghệ, thể thao nhân các ngày lễ lớn, tạo không khí thi đua sôi nổi, được toàn thể cán bộ, công chức hưởng ứng, tham gia tích cực.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý tổng cộng 262.443 vụ án các loại, đã giải quyết 215.411 vụ, còn lại 47.032 vụ, tỷ lệ giải quyết đạt 82,1%. TAND TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra xét xử kịp thời nhiều vụ án về tham nhũng, buôn lậu, giết người, cướp tài sản gây hậu quả nghiêm trọng được dư luận quan tâm. Trong giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính luôn chú trọng đến công tác hòa giải nên tỷ lệ vụ, việc hòa giải thành đạt được khá cao. Chất lượng xét xử án đảm bảo với đường lối xét xử nghiêm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Bên cạnh đó, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh cũng thực hiện tốt các mặt công tác khác như công tác tổ chức cán bộ, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh đã tạo nên bộ mặt mới cho cơ quan.
Với những nỗ lực phấn đấu liên tục trong 5 năm qua, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Tập thể đơn vị TAND TP. Hồ Chí Minh được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất” năm 2011; Tòa Hình sự được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Hai” năm 2011; ông Bùi Hoàng Danh được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Hai” năm 2014; bà Hà Thúy Yến được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” năm 2014 và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Tại hội nghị này, các đại biểu đã nghe các tham luận của Phòng giám đốc kiểm tra, TAND quận 1 và TAND quận 1.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình đánh giá cao và biểu dương thành tích mà TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong 5 năm qua. Nhắc lại những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua yêu nước mà Bác đã khởi xướng và kiến tạo thành công phong trào thi đua yêu nước Việt Nam, Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng, từ việc nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, trong 5 năm qua, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND TP. Hồ Chí Minh đã bám sát các Chỉ thị của Chánh án TANDTC và hướng dẫn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TAND về công tác thi đua, khen thưởng; đã đề ra nhiều biện pháp nhằm không ngừng tăng cường, đổi mới, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt, đưa công tác thi đua, khen thưởng của TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở nên thiết thực, sôi nổi và đạt hiệu quả cao trên mọi lĩnh vực công tác.
Trong công tác xét xử, là một đơn vị có số lượng án phải giải quyết lớn nhất trong cả nước (chỉ tính riêng từ năm 2010 - 2014, Toà án hai cấp đã giải quyết, xét xử 215.411 vụ, việc các loại; trong số đó có nhiều vụ án trọng điểm, có tính chất phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm). Do tổ chức tốt phong trào thi đua nên trong 5 năm qua, hầu hết các đơn vị thuộc TAND TP. Hồ Chí Minh đều hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu thi đua; tỷ lệ giải quyết và chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án liên tục được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước; các phiên tòa đã được các đơn vị thực hiện đúng theo tinh thần cải cách tư pháp; số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm dần qua từng năm.
Các vụ án hình sự đều được xét xử nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, không có án xử oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm; số bị cáo bị phạt tù cho hưởng án treo, áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cơ bản bảo đảm đúng pháp luật; Tòa án hai cấp đã tổ chức xét xử lưu động 1.471 vụ án, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền pháp luật tại cơ sở, góp phần tích cực trong việc răn đe, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Trong giải quyết các vụ án dân sự, các đơn vị Tòa án đã tập trung tăng cường công tác hòa giải các tranh chấp giữa các bên. Trong 5 năm qua, Tòa án 2 cấp thành phố đã hòa giải thành 71.971 vụ án dân sự. Thông qua công tác hòa giải đã giúp các đương sự tự thỏa thuận với nhau, giải quyết được nhiều vụ án phức tạp, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống nhân dân, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ cộng đồng dân cư và giảm công sức, thời gian, kinh phí cho các đơn vị Tòa án. Các đơn vị đã chú trọng và đưa ra nhiều biện pháp khắc phục để hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới không còn tình trạng để án quá thời hạn theo quy định của pháp luật.
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tặng bằng khen cho các cá nhân đạt danh hiệu Thẩm phán giỏi
Tại Hội nghị, Chánh án Trương Hòa Bình còn biểu dương TAND TP. Hồ Chí Minh, đơn vị tiên phong, dẫn đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tiếp cận công lý đến làm việc hoặc tham gia tố tụng tại các Tòa án.
Những kết quả công tác nêu trên là cơ sở quan trọng chứng minh công tác thi đua, khen thưởng của TAND TP. Hồ Chí Minh ngày càng được quan tâm đẩy mạnh, thiết thực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác chuyên môn; xây dựng các đơn vị TAND trong sạch, vững mạnh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của TP. Hồ Chí Minh.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo TANDTC, Chánh án Trương Hòa Bình đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực và kết quả mà TAND TP. Hồ Chí Minh trong 5 năm qua. Chánh án Trương Hòa Bình đã có lời cảm ơn đến sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình của Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đối với hệ thống TAND nói chung và TAND hai cấp TP.Hồ Chí Minh nói riêng. Mong rằng Lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc đối với tổ chức và hoạt động của TAND TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Sau phân tích, đánh giá những tồn tại, thiếu sót, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, năm 2015 là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, nhiều ngày lễ lớn của đất nước, cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hệ thống TAND. Đây là năm đầu triển khai thực hiện Luật Tổ chức TAND năm 2014 với nhiều thay đổi lớn, có tác động trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của TAND các cấp. Năm nay, TAND các cấp tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ III và tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2015).
Để tạo động lực thúc đẩy, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của TAND các cấp năm 2015 và những năm tiếp theo; Lập thành tích thiết thực chào mừng 70 năm ngày Truyền thống TAND, trước mắt trong thời gian từ nay đến hết năm 2015, Chánh án Trương Hòa Bình chỉ đạo Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo TAND TP. Chí Minh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội liên quan tới tổ chức và hoạt động của TAND các cấp cũng như các quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014. Chánh án đề nghị lãnh đạo TAND hai cấp TP.Hồ Chí Minh cần quán triệt và chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị thuộc quyền quản lý thực hiện tốt các nội dung thuộc trách nhiệm của mình theo Chỉ thị số 04/2015/CT-CA ngày 29/5/2015 của Chánh án TANDTC về thực hiện chuyển giao thẩm quyền xét xử theo các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời triển khai việc rà soát, sắp xếp, bố trí và cơ cấu lại bộ máy của TAND TP. Hồ Chí Minh và TAND các quận, huyện theo Quyết định của Chánh án TANDTC về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ bộ máy giúp việc của TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện được ban hành trong thời gian tới đây.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức thực hiện thắng lợi đợt thi đua đặc biệt từ nay đến hết năm 2015, lập thành tích trong công tác, thiết thực chào mừng Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ III và kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945 - 13/9/2015) với khẩu hiệu thi đua xuyên suốt là “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”, với phương châm phải “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Tòa án; gắn với việc tiếp tục và thường xuyên đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị; Kết hợp với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4 (khóa XI).
Nội dung các phong trào thi đua cần tập trung đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án trong thời hạn pháp luật quy định; Đẩy mạnh tranh tụng tại Tòa án; Làm tốt công tác hòa giải trong các vụ án dân sự và tổ chức đối thoại trong các vụ án hành chính; nâng cao chất lượng công tác xét xử; bảo đảm các phán quyết của Toà án phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Mặt khác, cần đổi mới, cải tiến thủ tục hành chính - tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý và có việc liên quan đến Tòa án.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước, về truyền thống lịch sử vẻ vang 70 năm xây dựng, phấn đấu, trưởng thành của TAND các cấp và Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ III; biểu dương, tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, các Thẩm phán được vinh danh là “Thẩm phán mẫu mực”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán giỏi” và các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND. Thông tin - Tuyên truyền phải đạt hiệu quả lan tỏa cho được hình ảnh người Thẩm phán công minh, mẫu mực, tận tụy vì nhân dân trong đời sống xã hội; Tạo dựng hình ảnh tốt đẹp của người Thẩm phán trong lòng nhân dân, được dân tin, dân yêu mến; TAND phải là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo nội dung Hiến định và phải là biểu tượng của công lý, xứng đáng là chỗ dựa của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND, lãnh đạo TANDTC đã quyết định giao cho TAND TP. Hồ Chí Minh là đơn vị đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao TAND lần thứ III, dự kiến tổ chức vào khoảng thời gian cuối tháng 8/2015. Đây là một trong những sự kiện văn hóa - chính trị rất quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND. Do thời gian chuẩn bị không nhiều, Chánh án đề nghị lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ công chức, người lao động của TAND TP. Hồ Chí Minh cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm; xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết; tranh thủ sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tại TP. Hồ Chí Minh và phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong Ban Tổ chức để triển khai Đại hội Thể thao, bảo đảm Đại hội Thể thao diễn ra trang trọng, an toàn, đoàn kết và tiết kiệm.
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh: TAND Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 - 2015 có ý nghĩa rất quan trọng. Nhiều bài học kinh nghiệm, sáng kiến hay được rút ra. Đặc biệt, Hội nghị đã tôn vinh những “Thẩm phán giỏi”. Đây là danh hiệu mà TANDTC vinh danh. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh trao đổi với Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình tại Hội nghị Các Thẩm phán tuyển chọn đạt danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực” được đánh giá đúng thành tích, trên cơ sở qua thi tuyển, bình chọn công khai, dân chủ với các tiêu chuẩn đặt ra rất nghiêm ngặt nhằm động viên, cổ vũ những Thẩm phán đã không ngừng phấn đấu, đạt nhiều thành tích cao trong công tác, từ đó tạo động lực cho các cán bộ, Thẩm phán nỗ lực phấn đấu, hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, tạo niềm tin cho người dân đối với hoạt động của hệ thống Tòa án và tin tưởng vào công lý. |
Thẩm phán Mai Xuân Bình, Chánh án TAND quận 1: Kiến nghị không nên khống chế tỉ lệ tập thể lao động xuất sắc Là trung tâm của TP. Hồ Chí Minh, quận 1 có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội trên nhiều lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng khá cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Bên cạnh sự phát triển vượt trội về kinh tế, quận 1 cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường, các tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp, gay gắt, đặc biệt là lĩnh vực tài chính ngân hàng. Với lượng án thụ lý hàng năm rất lớn, cán bộ, công chức TAND quận 1 làm việc trong tình trạng quá tải, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả tốt trên các mặt công tác. Cụ thể, từ năm 2010 - 2014, TAND quận 1 thụ lý 9.467 vụ án các loại, đã giải quyết 9.387 vụ, đạt 99,15%. Thẩm phán Mai Xuân Bình cho rằng, để đạt được kết quả trên là nhờ tổ chức tốt phong trào thi đua lập thành tích của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị. Theo đó, TAND quận 1 xác định trọng tâm của công tác thi đua là tổ chức phong trào thi đua một cách đều khắp, thường xuyên và liên tục nhằm phát huy những nhân tố tích cực, xây dựng các điển hình tiên tiến, khắc phục những việc làm còn mang tính hình thức, kém hiệu quả trên cơ sở đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Qua các đợt thi đua, đơn vị đều tiến hành họp toàn thể cán bộ, công chức, đưa ra những vấn đề đã làm được và chưa làm được. Trên cơ sở kết quả chuyên môn và những mặt công tác khác, đối chiếu với các tiêu chí thi đua, bình chọn những cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua để khen thưởng kịp thời nhằm động viên tinh thần. Ngoài ra, đơn vị còn lập quỹ khen thưởng từ sự đóng góp của cán bộ, công chức cũng như trích ra từ nguồn kinh phí tự chủ của đơn vị để linh động “thưởng nóng” cho anh em tại các cuộc sơ kết, tổng kết nhằm khích lệ phong trào thi đua ngày càng phát triển sâu rộng trong toàn đơn vị. Nhiều năm liền đơn vị đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Đặc biệt, năm 2014, TAND hai cấp TP. Hồ Chí Minh có 7 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì Tòa án quận 1 có 5 người. Bên cạnh đó, đơn vị được tặng thưởng Bằng khen của Chánh án TANDTC và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Bản thân tôi và Phó Chánh án Cao Thanh Hùng, nay là Chánh án TAND quận 10 được vinh danh là Thẩm phán tiêu biểu. Thẩm phán Mai Xuân Bình kiến nghị khống chế tỷ lệ mà phải căn cứ các tiêu chuẩn quy định đối với đơn vị đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, nếu đạt những tiêu chuẩn đó thì được công nhận… |
Thẩm phán Lê Thúy Hòa, Phó Chánh án TAND quận 8: Có hiểu dân thì hòa giải mới thành công Mặc dù bận rộn “trăm công ngàn việc” ở cơ quan nhưng Thẩm phán Lê Thúy Hòa, Phó Chánh án TAND quận 8 vẫn tranh thủ sắp xếp việc gia đình một cách khoa học để không ảnh hưởng đến công việc của cơ quan. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngoài vai trò Phó Chánh án TAND quận 8, chị còn là một Thẩm phán mẫn cán, được vinh danh là “Thẩm phán giỏi” năm 2014. Thẩm phán Lê Thúy Hòa tâm sự rằng, ngoài vai trò Thẩm phán còn là Phó Chánh án TAND quận 8 nên phải nỗ lực hết mình. Thông thường các vụ án khó thì lãnh đạo phải đảm nhận, đặc biệt là các “án thừa kế” nói theo cách nói vui của anh em trong đơn vị đối với các vụ án mà Thẩm phán đã thụ lý, giải quyết bị điều động đi đơn vị khác hoặc nghỉ hưu. Trong giải quyết vụ án, ngoài việc nghiên cứu hồ sơ kỹ lưỡng thì Thẩm phán còn phải đặt mình vào vị trí của các đương sự để giải quyết. Nếu làm tốt việc này sẽ giúp cho công tác hòa giải có tỷ lệ thành công cao. Nói cách khác, Thẩm phán phải linh động hỏi thăm các đương sự khi nào thì có thời gian thích hợp để đến Tòa rồi mới đánh giấy mời, tạo điều kiện để các đương sự có thời gian đến Tòa tham dự một các thoải mái. Khi hòa giải, Thẩm phán phải tạo bầu không khí hòa giải cởi mở, cảm thông. Có như vậy, các đương sự mới cởi tấm lòng sẻ chia. Kết quả hòa giải mới đạt tỷ lệ thành công cao. Có thể nói, đây một trong những cách thực hiện phương châm mà Bác Hồ đã dạy “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Trong hòa giải, không gần dân thì không hiểu dân, không hiểu dân thì không thể giúp dân hòa giải. |
Thẩm phán Phạm Uyên Thy, TAND quận 7: Nghề nghiệp như đã thấm vào máu Được vinh danh là “Thẩm phán giỏi” năm 2014, Thẩm phán Phạm Uyên Thy tâm sự rằng, từ khi bước chân vào nghề, với tinh thần ham học hỏi, đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu, mỗi hồ sơ giải quyết là một bài học kinh nghiệm. Cuộc sống hàng ngày của người Thẩm phán gần như gắn liền với nghề nghiệp. Dần theo thời gian sự tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp đó không biết từ lúc nào như đã thấm vào máu của chị. Nó như kỹ năng của người Thẩm phán. Nhờ kinh nghiệm cũng như vốn sống đó mà người Thẩm phán khi giải quyết án được thuận lợi hơn. Vốn là Thẩm phán giải quyết các loại án về dân sự, Thẩm phán Phạm Uyên Thy rất đề cao công tác hòa giải. Chị cho rằng trong hòa giải, người Thẩm phán phải luôn cởi mở, nắm bắt tâm tư của các đương sự. Bằng sự cảm thông, chia sẻ, Thẩm phán sẽ rất dễ dàng thuyết phục các bên đương sự hòa giải thành. Chỉ có những trường hợp các bên đương sự “nắn gân nhau” không tìm được tiếng nói chung thì mới đưa ra xét xử. Trong suốt nhiệm kỳ qua, Thẩm phán Phạm Uyên Thy chỉ bị hủy 3 vụ án không phải lỗi chủ quan của Thẩm phán, trong đó có vụ án xuất hiện tình tiết mới, có vụ án các đương sự tự thỏa thuận ở cấp phúc thẩm. Thẩm phán Phạm Uyên Thy cho biết, để đạt được danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, ngoài nỗ lực của bản thân còn có sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo đơn vị. |