TAND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: Hiệu quả từ việc triển khai thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại

Mai Phương| 06/06/2018 09:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND huyện Tiên Lãng là một trong 9 đơn vị TAND cấp quận/huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng thực hiện thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính.

Dù mới triển khai được một thời gian ngắn nhưng Đề án đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.

TAND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: Hiệu quả từ việc triển khai thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại

Trụ sở TAND huyện Tiên Lãng

Ngày 2/6/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đặt ra nhiệm vụ “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”. Nhiệm vụ quan trọng này đã được Quốc hội nhất thể hóa trong Bộ luật TTDS và Luật TTHC năm 2015, coi hòa giải, đối thoại vừa là một trong các nguyên tắc cơ bản, vừa là trình tự, thủ tục bắt buộc trong quy trình tố tụng. Theo đó, các quy định về hòa giải trong Bộ luật TTDS, Luật TTHC là cơ sở pháp lý trong tổ chức hòa giải và đối thoại, khuyến khích giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại TAND. Chánh án TANDTC đã ban hành Chỉ thị số 04/2017/CT-TA ngày 3/10/2017 về việc tăng cường công tác hòa giải tại TAND, tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng phải tăng cường công tác hòa giải tại TAND và đặt ra các yêu cầu, chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể và kế hoạch thực hiện nhằm đạt được mục tiêu này.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, năm 2018, TANDTC triển khai Đề án thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng. Quá trình triển khai Đề án, đã có 10 Trung tâm hòa giải được thành lập tại TAND thành phố và 9 TAND quận, huyện trên địa bàn thành phố Hải Phòng, với 58 Hòa giải viên. Trong đó, TAND huyện Tiên Lãng là 1 trong 9 đơn vị TAND cấp quận/huyện tại Hải Phòng thực hiện thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính. Các Hòa giải viên tại Trung tâm hòa giải TAND huyện Tiên Lãng được lựa chọn là người có kiến thức sâu rộng về pháp luật, có phẩm chất đạo đức, kỹ năng, phương pháp hòa giải và khả năng đối thoại tốt.

Do việc xây dựng và triển khai thí điểm Đề án trong thời gian ngắn nên Trung tâm hòa giải TAND huyện Tiên Lãng cùng với những trung tâm khác cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Song, dù mới triển khai được một thời gian ngắn (từ 12/3/2018 đến 25/5/2018) nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo TANDTC và TAND TP. Hải Phòng, Trung tâm hòa giải TAND huyện Tiên Lãng đã  thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và đạt được những kết quả khả quan, mang lại những thành công khởi đầu của Đề án thí điểm hòa giải.

Từ ngày 19/3 đến 25/5/2018, Trung tâm hòa giải TAND huyện Tiên Lãng đã thụ lý 38 vụ, việc dân sự có tính chất phức tạp. Ngay sau khi tiếp nhận sồ sơ vụ việc, Trung tâm hòa giải TAND huyện Tiên Lãng đã phân công nhiệm vụ cho các Hòa giải viên. Nhận được nhiệm vụ, các Hòa giải viên đã vào sổ theo dõi thụ lý vụ việc hòa giải và lập hồ sơ vụ việc theo hướng dẫn tại Văn bản số 48/TANDTC-PC ngày 09/3/2018 của TANDTC, sau đó nghiên cứu, chuẩn bị các bước hòa giải, đối thoại.

Kết quả cho thấy, có trên 50% số vụ, việc đã được Trung tâm hòa giải TAND huyện Tiên Lãng tiến hành hòa giải, đối thoại thành công. Việc này đã góp phần giải quyết triệt để và hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên toà xét xử; đồng thời tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự, Nhà nước và toàn xã hội; từ đó hạn chế kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hoà giải còn góp phần hàn gắn những rạn nứt giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế và khó khăn về mọi mặt như: Thời gian thực hiện thí điểm tương đối ngắn; cơ sở vật chất thiếu và xuống cấp; cơ chế pháp luật về đối thoại hòa giải còn nhiều vấn đề cần được hướng dẫn và hoàn thiện… nhưng lãnh đạo TAND huyện Tiên Lãng luôn bám sát nhiệm vụ, tạo điều kiện tốt nhất để Hòa giải viên, Trung tâm hòa giải hoạt động hiệu quả.

Đóng góp ý kiến vào việc triển khai thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại, Thẩm phán Nguyễn Đức Chi, Chánh án TAND huyện Tiên Lãng nêu lên nhiều thành công và ưu điểm mà Đề án mang lại; đồng thời chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần tìm cách tháo gỡ, khắc phục trong thời gian tới. Chánh án TAND huyện Tiên Lãng đề xuất TANDTC sớm hoàn thiện đề án và các điều luật, văn bản hướng dẫn để đề án chính thức đi vào hoạt động; thường xuyên tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên, đối thoại viên; tăng cường cơ sở vật chất cho các Trung tâm hòa giải đối thoại để nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như đảm bảo tính pháp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng: Hiệu quả từ việc triển khai thí điểm Đề án tăng cường hòa giải, đối thoại