Ngày 18/1, TAND hai cấp tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019. Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Đặng Xuân Đào, Thẩm phán TANDTC; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; lãnh đạo Công an, Viện kiểm sát tỉnh và các cán bộ, công chức TAND hai cấp tỉnh Thái Bình.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tổng kết công tác năm 2018, Phó Chánh án TAND tỉnh Thái Bình Đỗ Mạnh Tằng cho biết, năm 2018, TAND hai cấp tỉnh Thái Bình đã giải quyết 4.293 vụ, việc trong tổng số 4.497 vụ, việc đã thụ lý, đạt tỷ lệ 95,7%; còn lại 204 vụ, việc. Số vụ, việc còn lại hầu hết trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm 2017, thụ lý tăng 335 vụ, việc, đã giải quyết tăng 316 vụ việc.
Năm 2018, mặc dù số lượng các loại vụ việc Tòa án hai cấp phải thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 335 vụ việc) và tính chất một số vụ án phức tạp hơn nhưng TAND hai cấp đã có nhiều cố gắng đẩy nhanh tiến độ giải quyết án nên tỷ lệ giải quyết đạt 95,7%. Số lượng giải quyết các loại án tăng 316 vụ, việc so với cùng kỳ năm 2017.:
Đối với án hình sự: Tất cả các vụ án đều được xét xử trong thời hạn luật định. Việc thụ lý giải quyết theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, đặc biệt là bảo đảm quyền của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác, bảo đảm và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Đối với án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính: Số lượng vụ việc thụ lý nhiều, riêng án hôn nhân gia đình thụ lý 2.922 vụ việc tăng 343 vụ việc, án kinh doanh thương mại tăng 29 vụ việc, tính chất nhiều vụ việc phức tạp song do các Thẩm phán đã áp dụng nhiều biện pháp, tích cực, kiên trì trong công tác hòa giải nên số vụ án hòa giải thành trong các vụ án dân sự đạt tỷ lệ cao 61,2%, vượt chỉ tiêu mà TAND tối cao đề ra), tạo điều kiện cho công tác thi hành án được thuận lợi hơn, giảm mâu thuẫn nội bộ gia đình, xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Chất lượng giải quyết án cũng được nâng lên, tỷ lệ án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan thấp hơn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ hủy của án Dân sự và Hôn nhân gia đình thấp chiếm 0,35% số lượng án đã giải quyết.
Đặc biệt, công tác thí điểm hòa giải, đối thoại bước đầu đạt kết quả tốt, tỷ lệ hòa giải thành khá cao, tuy là công việc mới nhưng các Trung tâm, các Hòa giải viên, Đối thoại viên nhanh chóng tiếp thu quy trình, quy định về hòa giải, đối thoại theo hướng dẫn của TAND tối cao.
Qua hơn 2 tháng triển khai thực hiện thí điểm (từ 01/11/2018 đến 11/01/2019), 5 Trung tâm hòa giải, đối thoại đã nhận 276 đơn khởi kiện; đã đưa ra hòa giải, đối thoại 211 đơn, tỷ lệ giải quyết đạt 76.4% trong đó Hòa giải thành 188 đơn; Hòa giải, đối thoại không thành 23 đơn (trong đó có 3 đơn hành chính). Còn lại 65 đơn đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt nhiều thành tích trong công tác năm 2018
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết, trong năm công tác 2018, số lượng án của TAND tỉnh Thái Bình tăng hơn so với những năm trước, nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án đã được nâng lên, về cơ bản đúng quy định của pháp luật.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du nhấn mạnh, trong năm 2019, TAND hai cấp tỉnh Thái Bình cần tiếp tục triển khai thực hiện chủ đề hành động “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XII của Đảng; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch mà TANDTC đã đề ra; đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các vụ án phải được thụ lý, giải quyết đúng thời hạn pháp luật quy định, tuyệt đối không tạm đình chỉ nếu không đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm, cũng như việc vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử; việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, áp dụng hình phạt khác không phải là hình phạt tù phải đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật.