Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng trong suốt những năm vừa qua, tập thể cán bộ, công chức TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn luôn cố gắng, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn an ninh, trật tự trên một vùng biên giới.
Lạng Sơn là một tỉnh biên giới, có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó phần lớn là dân tộc thiểu số nên trình độ, hiểu biết về kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế, không đồng đều. Trong mấy năm vừa qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là nhóm tội phạm về ma túy, buôn bán người, các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại ngày càng phức tạp; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.
Đứng trước tình hình đó, ngay từ đầu năm 2017, lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn đã quán triệt sâu sắc đến toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xác định được vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nên ngay từ đầu năm, lãnh đạo đơn vị đã phối hợp với tổ chức công đoàn xây dựng chương trình hành động về công tác thi đua, khen thưởng theo định hướng có chiều sâu, có kế hoạch, mục tiêu cụ thể để phát động phong trào thi đua, khen thưởng thường xuyên; định kỳ hoặc theo chuyên đề; xây dựng cá nhân điển hình tiên tiến qua từng đợt thi đua.
Đặc biệt, TAND tỉnh Lạng Sơn cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, Bộ tiêu chí công tác, Bộ tiêu chí thi đua khen thưởng cũng như đề ra 03 khâu đột phá là: “Nâng cao kỹ năng, chất lượng công tác xét xử của Thẩm phán; tăng cường tinh thần, ý thức tự học tập, tự rèn luyện của cán bộ, công chức; duy trì tốt việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công vụ” và 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo quản lý; nâng cao chất lượng công tác xét xử; nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ; nâng cao ý thức tự học tập của cán bộ, công chức; đổi mới công tác thi đua khen thưởng và nâng cao chất lượng công tác văn phòng, hậu cần. Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công tác của TAND hai cấp trong tỉnh...
Một phiên xét xử lưu động của TAND tỉnh Lạng Sơn
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2017, TAND hai cấp tỉnh Lạng Sơn đã giải quyết được 1083/1400 vụ việc các loại, đạt tỉ lệ 77,4%. Công tác giải quyết đơn đảm bảo các yêu cầu đề ra, không có đơn phức tạp, kéo dài; công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ được quan tâm, chú trọng; chất lượng xét xử ngày càng được nâng lên; hình phạt áp dụng đồi với các bị cáo nghiêm minh; các trường hợp cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đều có điều đủ điều kiện; Công tác hòa giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính được tăng cường; việc chậm gửi bản án, quyết định của Tòa án cho các cơ quan liên quan giảm đáng kể; Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được quan tâm, chú trọng, từng bước đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; thường xuyên tổ chức các phiên tòa lưu động tại những xã, bản vùng sâu, vùng xa được đông đảo quần chúng nhân dân tham dự, góp phần rất lớn trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn an ninh chính trị tại địa phương, được các cấp chính quyền đánh giá cao.
Nhằm hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2017, lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị trong 6 tháng cuối năm 2017 cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, các vụ án tham nhũng; hạn chế thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng; áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu; kiên quyết không để án quá hạn luật định; tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính; kiên quyết khắc phục việc chậm gửi bản án, quyết định của Tòa án cho đương sự và các cơ quan hữu quan; chủ động phối hợp các Viện kiểm sát, thi hành án dân sự tỉnh rà soát các bản án, quyết định khó thi hành để xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của Tòa án theo Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự.
Đồng thời, lãnh đạo TAND tỉnh Lạng Sơn cũng đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong Tòa án hai cấp các văn bản pháp luật mới như giải đáp nghiệp vụ số 01/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 của TANDTC, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử, hướng dẫn của TANDTC về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp và một số văn bản nghiệp vụ khác; quán triệt và triển khai Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 13/4/2017 của Ban cán sự Đảng TAND tỉnh Lạng Sơn về việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính và tiếp tục nâng cao tự học tập trong cán bộ, công chức nhằm tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc của các đơn vị và cán bộ, công chức trong Tòa án hai cấp; yêu cầu các đơn vị tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ và Hội thẩm nhân dân; tiếp tục chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho Thẩm phán, cán bộ, công chức, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản về thi đua khen thưởng, phát hiện và khen thưởng kịp thời những gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu, tạo động lực cho cán bộ, công chức phát huy tinh thần, trách nhiệm, phát huy sự sáng tạo trong mọi mặt công tác.