Trong mấy năm vừa qua, nhờ được sự quan tâm chỉ đạo của TANDTC, Thường trực Tỉnh ủy, cùng với sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan, Tòa án hai cấp tỉnh Sóc Trăng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những năm gần đây, tình hình về tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có xu hướng ngày càng gia tăng, các tranh chấp về dân sự cũng ngày một phức tạp. Nắm được tình hình đó, ngay từ đầu năm 2014, sau khi ký kết giao ước thi đua tại Cụm thi đua số V, lãnh đạo Tòa án hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình mục tiêu hành động và chỉ đạo thực hiện tốt phong trào thi đua; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức nhận thức và nắm vững về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng.
Để làm tốt công tác thi đua - khen thưởng, Tòa án tỉnh đã tổ chức tập huấn công tác thi đua - khen thưởng cho TAND cấp huyện, Tòa, phòng thuộc TAND tỉnh; tập trung kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, luân chuyên, điều động, tuyển dụng cán bộ bổ sung cho các đơn vị Tòa, phòng còn thiếu biên chế để đáp ứng được nhiệm vụ đã giao; thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh kết hợp với việc thực hiện “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức TAND”. Các phong trào thi đua này đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức trong đơn vị.
Một phiên tòa của Tòa án tỉnh Sóc Trăng
Bên cạnh đó, Tòa án hai cấp tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, thu hút được sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, làm cho phong trào thi đua yêu nước thực sự là động lực, đòn bẩy cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của hệ thống TAND và địa phương.
Với những cố gắng đó, trong năm 2014, Tòa án hai cấp tỉnh Sóc Trăng đã thụ lý 5.213 vụ/việc, giải quyết 3.954 vụ/việc (đạt tỷ lệ 75,85%); so với năm 2013 thụ lý tăng 124 và giải quyết tăng 115 vụ việc, còn 47 vụ quá thời hạn chuẩn bị xét xử ở một số đơn vị Tòa án cấp huyện (giảm 52 vụ so với năm 2013), đã tổ chức xét xử lưu động 106 vụ án hình sự, ít hơn 8 vụ so với năm 2013. Trong đó, Tòa cấp tỉnh thụ lý 655, giải quyết 527 (đạt tỷ lệ 80,46%), so với năm 2013 thụ lý tăng 99, giải quyết tăng 55 vụ /việc. Cấp huyện thụ lý 4.558, giải quyết 3.427 (đạt tỷ lệ 75,19%), so với năm 2013 thụ lý tăng 25 vụ, giải quyết tăng 50 vụ/việc.
Đồng thời, nhận thức được nhiệm vụ xuyên suốt của các đơn vị Tòa án là xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xét xử và giải quyết các loại vụ án trên cơ sở đổi mới tranh tụng tại các phiên tòa, không để xảy ra việc xét xử oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức và cá nhân; khắc phục có hiệu quả các vấn đề như: Án quá thời hạn chuẩn bị xét xử; việc trả hồ sơ đề nghị VKS điều tra bổ sung không có căn cứ; xử phạt tù cho hưởng án treo không đúng và bản án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự. Thế nên, trong những năm vừa qua, lãnh đạo Tòa án tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường chỉ đạo công tác rèn luyện phẩm chất đạo đức, nêu cao trách nhiệm, bản lĩnh, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức trong toàn đơn vị. Chỉ đạo việc đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các nội dung thật cụ thể, sát với chức năng, nhiệm vụ của từng cá nhân và thực hiện với trách nhiệm cao các nội dung đã đăng ký.
Bên cạnh đó, Tòa án hai cấp tỉnh Sóc Trăng cũng thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng; quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tạo thuận lợi cho công dân và luật sư tham gia tố tụng tại Tòa án; bảo đảm cho công tác xét xử của Tòa án thể hiện rõ hơn tính dân chủ, công khai, minh bạch. Nhờ vậy, chất lượng tổ chức phiên tòa xét xử của Thẩm phán và chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa có sự tiến bộ; kết quả xét xử và giải quyết các loại vụ án không xảy ra việc kết tội oan hoặc bỏ lọt tội phạm; không xảy ra khiếu kiện phức tạp từ kết quả xét xử của Tòa án; số vụ, việc dân sự được hòa giải thành chiếm tỷ lệ cao; án bị hủy giảm, án bị sửa trong phạm vi giới hạn và không có vụ bị hủy, sửa có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng uy tín của Tòa án hoặc ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.