1. Không nói ra nhưng hẳn ai đã theo nghiệp cầm bút luôn tâm niệm một điều là làm sao phải sống, làm việc để vừa có “tâm”, vừa có “tầm”.
Làm sao ngòi bút của mình sắc sảo trước thế cuộc, khiến cuộc sống tốt đẹp hơn chứ không phải “sắc” để “giết” chết sự thật… Và, đã là người cầm bút, hiển nhiên chúng ta phải biết sống và yêu nghề.
Có thể nói, tôi đến với nghiệp báo chậm hơn so với anh em đồng nghiệp nhưng “sự muộn” ấy đã cho tôi những kinh nghiệm sống và cả “vốn” nghề. Lớp Báo chí của tôi năm ấy, người bỏ ngang làm giáo viên, nhân viên văn phòng, người kinh doanh… người theo nghề tính ra chẳng được mấy ai. Áp lực cuộc sống nhiều khi khiến tôi thấy bế tắc, tuy nhiên, tôi nhận ra rằng, chính những điều ấy đã làm cho mình càng phải phấn đấu và nỗ lực hơn. Cũng “đi qua” một vài tờ báo, cuối cùng Báo Công lý đã mở cửa đón tôi. Ngoài những mảng đề tài chính trị - xã hội khác, hoạt động Tòa án là mảng tôi được phân công theo sát. Và, cũng ở nơi đây, chính môi trường với những vụ án mà lằn ranh của cái thiện - cái ác quá mong manh đã không ít lần khiến ngòi bút của tôi thổn thức.
Đó là khi, cả một làng nghèo ở Quảng Trị bỏ việc đồng áng, dắt díu nhau vào tham dự phiên tòa mà các bị cáo đánh chết tên trộm chó. Cả một làng cùng viết đơn cầu cứu xin xem xét giảm nhẹ án cho các bị cáo, đó cũng là lần đầu tiên, cả làng tự nhận mình đã đánh chết người kia. Vậy nhưng, người dân lại đắng cay nhận ra rằng, hậu quả để lại vì một phút căm giận đã phải chịu sự trừng phạt của pháp luật… Đối vụ án đau lòng này, chỉ vì người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” không am hiểu pháp luật dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, người cầm bút ngoài việc sẻ chia với hoàn cảnh đáng thương của người dân thông qua bài viết của mình còn gửi đến những người “nông dân chân đất” thông điệp về pháp luật và việc cần thiết phải tuân thủ.
PV nhạy bén trước thông tin song cần phải trách nhiệm trước những thông tin mà mình có được
Đó là một vụ án, bị cáo bị kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, hết lần này đến lần khác, Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ. Trong khi đó, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều cho rằng, bị cáo không lừa mình... Với những gì có trong hồ sơ vụ án, những gì bị cáo khai tại Tòa cho thấy, còn rất nhiều điều cần phải làm rõ, đặc biệt bị cáo liên tục kêu oan… Trách nhiệm của một người làm báo, nói đúng hơn là “báo của Tòa”, PV đã phân tích, mổ xẻ các vấn đề, đồng thời căn cứ từ những lập luận xác đáng từ lời khai của bị cáo để có bài viết kịp thời. Kết quả của vụ án đó, sau khi Tòa án trả hồ sơ lần hai, cùng với bài viết của PV, vụ án đã bị đình chỉ, bị cáo đã được tại ngoại…
Hay một vụ việc khác xảy ra ở Quảng Trị, đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, đằng sau vụ án này chính xác là một nỗi oan của người dân nghèo. Từ một dự án và việc đền bù đất đai nhưng vô tình đẩy hàng loạt người dân vào vòng lao lý. Người dân mòn mỏi kêu oan cũng là khi PV tiếp cận vụ việc. Nhận thấy, đằng sau vụ việc còn có nhiều điều khuất tất, PV đã có bài phản ánh kịp thời. Và, chính việc vào cuộc kịp thời đó, sự thật dần được hé lộ, buộc các cơ quan vào cuộc xem xét lại, qua đó tránh được việc truy tố oan sai…
2. Người làm báo ngoài trách nhiệm cần phải có đạo đức trong việc khai thác và xử lý nguồn tin. Là cơ quan ngôn luận của TANDTC, PV Báo Công lý vì thế càng đặc biệt hơn bởi ngoài thông tin kịp thời, chính xác cần phải làm sao “mang công lý” đến với mọi người. Chốn pháp đình là nơi phán xử cái ác và hướng con người vào nẻo thiện, vì vậy, người cầm bút không cần phải xử lý theo kiểu “đao to, búa lớn” hay giật gân, câu khách, điều mà ai cũng mong muốn thấy được đằng sau bản án đó là cái gì? Những người khác thấy được đúng, sai trong vụ án này để lấy đó làm bài học.
Một cậu bé chưa đến tuổi vị thành niên, vì ham chơi nên chữ nghĩa vì thế “rớt - rơi” mà không thể tiếp tục đến trường, suốt ngày mải miết rong chơi trên mạng xã hội - Facebook. Từ thế giới ảo, cậu quen cô bé sinh năm 2001 và cả hai quyết định bước ra thế giới thực. Những cuộc hẹn hò chốn công viên và rồi, cả hai đã làm “chuyện người lớn”. Sự tự nguyện, việc không hiểu biết pháp luật của cả hai đứa trẻ đã khiến “chàng trẻ con” phải vào tù về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Vụ án này chỉ là một trong hàng chục, hàng trăm vụ án hiếp dâm khác, tuy nhiên, người cầm bút khi xử lý không nhất thiết phải đưa ảnh, đăng tên địa chỉ của bị cáo, bị hại… Bởi vì, xét cho cùng, cũng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật, các em mới nhận lấy hậu quả nặng nề này. Rồi đây, khi án tù đã chấp hành xong, các em cũng cần có một cơ hội để làm lại cuộc đời. Hay như cô bé kia, mặc dù là nạn nhân nhưng chính em lại là người đồng phạm, việc không đưa tên, lai lịch lên mặt báo cũng là một việc đáng làm lắm chứ. Đơn giản, chúng ta thử lắng lòng mình lại, thử một lần hình dung họ là con em của chúng ta, ta sẽ thấy quặn lòng như thế nào và ta mong muốn điều gì ở xã hội, ngoài một sự bao dung?
3. Có thể nói rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin và chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, mỗi thông tin được cập nhật và phản ánh đều ảnh hưởng nhất định tới đời sống xã hội. Vì vậy, những thông tin không chính xác, hay người cầm bút thiếu cái tâm và đạo đức nghề nghiệp có thể ảnh hưởng nặng nề đến cá nhân, cộng đồng người, nền kinh tế hay lợi ích quốc gia. Vì thế, người làm báo càng cần phải giữ gìn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, nhất là trong việc khai thác thông tin, thu thập tài liệu và xử lý nguồn tin… Dù thời gian sống với nghề “chưa già” nhưng tôi thấy vui vì ngần ấy thời gian, mình đã có những đóng góp dù nhỏ nhưng ý nghĩa. Niềm vui của một người được minh oan, hạnh phúc của một người mẹ đón con ngày trở về với ý thức làm lại cuộc đời của bao người… là động lực, là nguồn cảm hứng để tôi sống với nghề, tự hào với nghề và cũng chính từ đó, tôi càng thấy mình có trách nhiệm hơn với nghề, với cuộc sống. Quả vậy, nghề báo - vinh dự và cũng đầy trách nhiệm, chính vì vậy, những người theo nghề càng phải giữ cho mình đạo đức người làm báo…