Chia sẻ với báo chí sau khi nhậm chức, Tân Chủ tịch TP HCM cho rằng, điều quyết liệt hiện nay đối với UBND TP là phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố (TP) đã đề ra.
Tân Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong trả lời câu hỏi của báo chí sau khi đắc cử Chủ tịch UBND TP HCM
Sáng nay (11/12), tại kỳ họp thứ XX, HĐND TP HCM khóa VIII, với số phiếu 85,10%, ông Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ được tín nhiệm bầu vào chức vụ Chủ tịch UBND TP HCM.
Hai Phó Chủ tịch UBND TP cũng được bầu tại kỳ họp này là ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương và bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.
Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch UBND TP HCM ông Nguyễn Thành Phong cảm ơn các đại biểu thay mặt đồng bào cử tri TP tín nhiệm bầu ông vào vị trí Chủ tịch.
"Đây là vinh dự lớn lao, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó. Tôi gửi lời cảm ơn Thành ủy, HDND, UBND giới thiệu tôi để đại biểu bầu và chức vụ quan trọng", ông phát biểu.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, hoàn cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, tình hình chính trị thế giới có nhiều thay đổi. Do đó, TP cần có những chính sách để kinh tế phát triển vượt bậc hơn nữa để xứng đáng là trung tâm hành chính, khoa học, thương mại của khu vực.
Khẳng định quyết tâm góp phần đưa TP ngày càng phát triển, ông Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ cùng tập thể lãnh đạo UBND tập trung giải quyết những bức xúc trong nhân dân, nhằm không ngừng nâng cao đời sống người dân, tạo bước bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh của TP, đưa TP trở thành một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Về những việc làm cụ thể cấp bách trong thời gian tới nhằm tạo một sự chuyển biến và giải quyết căn cơ bản những vấn đề lâu nay vốn là điểm khó của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ thẳng thắn: Tôi rất trăn trở khi đánh giá việc thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua có những vấn đề thấy rằng cần có những giải pháp có hiệu quả hơn, những giải pháp mang tính chất đột phá hơn để giải quyết bức xúc của người dân TP đang đặt ra. Đó là vấn đề ngập nước, vấn đề tai nạn giao thông, kẹt xe, ô nhiễm môi trường...
Có thể nói rằng điều quyết liệt hiện nay đối với UBND TP là phải có kế hoạch và có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện bảy chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP đã đề ra. Trong bảy chương trình đó thì chương trình về chỉnh trang và phát triển đô thị được ưu tiên hàng đầu. Kế đến là những chương trình tác động trực tiếp đến đời sống người dân hiện nay, đến chất lượng cuộc sống người dân như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông... Tôi nghĩ rằng, đó là sự quyết tâm của UBND TP sắp tới làm sao có giải pháp cụ thể và quyết liệt để triển khai thực hiện.
Mặc dù mới lên nhậm chức, nhưng thật không hổ danh "người cũ trở về", việc tiếp tục kiến nghị với Trung ương những cơ chế đột phá cho TP.HCM đã được ông Nguyễn Thành Phong chỉ rõ, Trong phương hướng sắp tới, yêu cầu là phải nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh để đáp ứng yêu cầu hội nhập, sớm đưa TP.HCM trở thành một trung tâm lớn của khu vực Đông Nam Á.
Thời gian qua, TP đã có những nỗ lực rất lớn nhằm đạt được những cơ chế để làm sao tạo những bứt phá cho TP phát triển. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan tâm hiện nay là vừa qua TP đã có đề xuất với Trung ương về chính quyền đô thị, nhưng chưa được Trung ương chấp nhận, TP sẽ tiếp tục kiên trì vấn đề này, đề xuất với Trung ương để có cơ chế làm sao phát huy đội ngũ quản lý và có cơ chế quản lý để tạo điều kiện thúc đẩy TP phát triển.
Bên cạnh đó, trong yêu cầu xây dựng vùng kinh tế TP.HCM tôi cho rằng, vấn đề liên kết vùng là vấn đề hết sức đáng quan tâm để làm sao những địa phương lân cận phải phát huy được nguồn lực kết nối với những địa phương khác, xem đây là điều kiện để mở rộng và tối ưu hóa nguồn lực, tạo điều kiện nâng cao sức cạnh tranh của TP. Trong thực tiễn quản lý của TP cho chúng ta thấy là sức cạnh tranh TP chỉ có thể vươn tốt hơn, xa hơn nếu chúng ta biết phát huy nguồn lực của những địa phương lân cận bằng một chương trình liên kết theo cơ chế tác động lẫn nhau để thúc đẩy nhau cùng phát triển.
Quan sát sự phát triển của TP trong những năm vừa qua tôi thấy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP đang đi rất đúng hướng, tức công - nông nghiệp giảm dần tỉ trọng nhưng dịch vụ ngày càng phát triển. Hiện nay, dịch vụ chiếm khoảng 59,9%, công nghiệp chiếm 39% và nông nghiệp chiếm gần 1%. Tôi cho rằng lợi thế lớn nhất của TP.HCM là trung tâm cung cấp dịch vụ và tạo ra những sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao. Cho nên việc tạo ra những điều kiện, cơ chế làm sao phát triển lợi thế này, sắp tới lãnh đạo TP phải quan tâm và tìm những giải pháp để khơi dậy lợi thế này - một trung tâm dịch vụ của khu vực, không phải mang tầm quốc gia mà mang tầm khu vực Đông Nam Á.
Tiếp nữa, đòi hỏi về năng lực quản lý của bộ máy của đội ngũ để làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển vì suy cho cùng muốn thực hiện mục tiêu của khu vực như Đại hội Đảng bộ TP X đề ra phải có một đội ngũ quản lý, năng lực quản trị tốt.
Ngoài ra, TP.HCM là một địa phương mà tinh thần khởi nghiệp và cái sự chịu đựng rủi ro là rất cao nên phải tạo ra những cơ chế khuyến khích để mở ra một môi trường phát triển các nhà doanh nghiệp - những nhà DN có thể khẳng định thương hiệu trên thương trường quốc tế. Tôi cho rằng, nếu có một cơ chế thích hợp tạo ra một môi trương thuận lợi thì đó là một mảnh đất màu mỡ để thúc đẩy cho các DN phát triển và tạo ra được những giá trị mới, giá trị gia tăng ngày càng cao.
Trong không khí cởi mở, chia sẻ tâm trạng với các nhà báo, ông Phong cho biết bản thân rất hồi hộp, nhưng cũng tự tin tiếp nhận những thành quả mà các lãnh đạo tiền nhiệm đạt được.
"Khi được bầu nhiệm vụ mới thì thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn trước sự tin tưởng của đồng bào, Đảng bộ. Tôi phải nỗ lực, không ngừng rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn để giải quyết được những yêu cầu đặt ra. Tôi không lo lắng gì cả, vì bên cạnh còn có các anh ở Thành ủy, Thường trực Ủy ban, sở ngành giúp đỡ, cùng gánh vác nhiệm vụ chung", ông Phong tâm sự.
* Đánh giá về tân Chủ tịch TP, PGS.TS Võ Văn Sen - đại biểu HĐND, Hiệu trưởng Đại học KHXH-NV cho biết, ông Phong trải qua nhiều nhiệm vụ trước khi về TP và được tín nhiệm như vậy coi như là thắng lợi trong công tác đào tạo cán bộ. Một TP năng động, chiếm 1/3 GDP đất nước chắc chắn cần người đứng đầu có trình độ, trong đó có đồng chí Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND là rất quan trọng, quyết định sự phát triển của địa phương.
Theo PGS. TS Võ Văn Sen, đức tính tốt mà ông quý ở tân Chủ tịch UBND TP là ông Phong rất nhạy bén với cái mới, kiên quyết ủng hộ cái mới.