Tâm sự của nữ nhà báo 17 năm gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam

Ngô Chuyên| 21/06/2020 15:39
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bình dị và chân thành, đó là cảm nhận của không ít người khi tiếp xúc và làm việc với nhà báo Lê Quý Hiên – Báo Thanh niên. Nhà báo Qúy Hiên, được biết đến với nhiều bài viết phân tích, đánh giá thực trạng giáo dục hiện nay.

Mỗi tác phẩm của chị làm ra không chỉ đơn thuần là phản ánh sự việc, hiện tượng mà còn cả trách nhiệm của người cầm bút đối với độc giả, với xã hội.

Làm báo bằng lý tưởng

Nhà báo Lê Thị Quý Hiên vốn là cựu học sinh chuyên Văn của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu – Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị theo học ngành ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên với tâm hồn bay bổng, muốn ngao du đây đó để cảm nhận cuộc sống nên sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, chị lại mơ ước gắn bó với nghề báo.

Chị tâm sự: “Tính tôi cầu toàn, lý tưởng hóa cuộc sống nên sợ mình không xứng đáng với nghề giáo theo đúng nghĩa mà tôi hình dung về nghề này. Tôi muốn làm một nghề nào đó tự do hơn, và sáng tạo một chút. Nếu nghề đó giúp tôiđấu tranh cho công bằng xã hội được thì càng tốt, và cuối cùng tôi chọn theo đuổi nghề báo”.

Tâm sự của nữ nhà báo 17 năm gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam

Nhà báo Qúy Hiên phỏng vấn GS Lê Tuấn Hoa, nguyên Viện trưởng Viện toán học Việt Nam.

Chị kể, hồi những năm 1990, báo Lao động nổi lên như một ngôi sao sáng chói trong làng báo thời kỳ đổi mới, vì thế chị trở thành fan hâm mộ tờ báo đó một cách hết sức tự nhiên. “Tôi mê báo Lao động, nhất là chuyên mục Phóng sự. Hồi ấy chuyên mục này hay đăng chuyện đường dài. Tôi lại thích là đi đây đi đó, thích viết những bài phản ánh đời sống xã hội, đời sống dân sinh ở vùng sâu, vùng xa. Ước mơ của tôi là phóng sự của mình được đăng trên báo Lao động. Vì thế mà sau khi phóng sự đầu tiên của tôi được đăng trên báo Lao động, tôi càng có động lực quyết tâm theo đuổi nghề báo”, nhà báo Quý Hiên chia sẻ

Thế nhưng, con đường đến với nghề báo của những người “ngoại lai” như chị không hề dễ dàng. Chị nhớ lại: “Hồi đó được nhận vào làm trong một cơ quan báo nào đó là rất khó, vì báo chí chưa mở rộng như bây giờ. Thế nên, việc một người không được đào tạo báo chí, không có một mối quan hệ trong cộng đồng báo chí mà đi làm báo là một thử thách rất lớn với tôi. Để theo đuổi được niềm đam mê, tôi đã mất ba năm thất nghiệp. Trong 3 năm đó, tôi làm một ”nhà báo tự do”, sống bằng tiền nhuận bút từng bài “viết thuê” cho nhiều tờ báo”.

Kiên trì, luôn cầu thị và không ngừng học hỏi, chị miệt mài vừa làm, vừa tự trau dồi kỹ năng nghề. Chị bắt đầu nghề báo từ những bài viết đơn giản, kể lại những điều “tai nghe mắt thấy”, sau đó mới dần dần thực hiện những bài viết đòi hỏi việc thu thập tư liệu công phu hơn, đòi hỏi phải suy tư nhiều hơn để phát hiện vấn đề. Bài báo đầu tiên chị có tiêu đề “Lại chuyện người thứ 3”, đăng trên Báo Tiền phong (khoảng giữa năm 1995), ở chuyên mục “Sau lũy tre làng”. Bài viết dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra ở quê chị, nói về mối quan hệ tình cảm phức tạp của một phụ nữ trẻ đã có gia đình. Chị tâm sự: “Tôi đạp xe đạp đến báo Tiền phong, nộp bảo thảo viết tay cho anh Phương Đông (lúc đó là thư ký tòa soạn). Nhìn bài viết ngắn gọn, mạch lạc, trình bày sạch đẹp, anh Phương Đông tỏ ra hài lòng và đề nghị tôi tiếp tục cộng tác”.

Luôn trăn trở với giáo dục

Nhà báo Quý Hiên đến với nghề báo như duyên trời định. Sau khi bài viết đầu tay được đăng tải tiếp theo đó, loạt bài thủ khoa các trường đại học năm 1996 “ra đời”. Chị kể: “Nhân vật đầu tiên của tôi là bạn Lê Tuấn Anh, thủ khoa của Trường đại học Ngoại thương. Lê Tuấn Anh là cựu học sinh chuyên Lý của Trường ĐH Tổng hợp (nay là Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên – Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) , nên giới thiệu nhiều bạn học sinh các lớp chuyên Tổng hợp khác cũng là thủ khoa, á khoa nhiều trường đại học khác”.

Tâm sự của nữ nhà báo 17 năm gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam

Trong một chuyến tác nghiệp ở Bắc Kạn tại điểm sao in đề thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh NVCC.

Trong 3 năm làm nhà báo tự do, chị Quý Hiên từng thử việc ở một vài tờ báo. Tuy nhiên, “giấc mộng” của chị lúc đó vẫn là được trở thành phóng viên báo Lao Động, nên chị thử việc trong tâm thế “làm tạm” để chờ cơ hội được tuyển dụng vào tờ báo mình yêu thích. ”Các nhà báo tinh ý lắm, đặc biệt là các sếp báo. Nên họ sẽ phát hiện ngay ra kẻ không yêu mình, không tha thiết với mình. Bởi vậy, khi không được nhận, tôi cũng thấy bình thường, không một chút oán giận hay trách móc ai, và nghĩ thế là công bằng”, chị Quý Hiên nhận xét.

Rồi vận may cũng đã mỉm cười với nhà báo Quý Hiên khi chị dự thi và đỗ đầu vào báo Văn hóa (tháng 1/1998). Chị được phân công về ban Văn hóa – xã  hội, chuyên viết về chính sách nhà nước về văn hóa. Chị kể: “Lúc đó, tôi như “con giao pha” nên được trưởng ban giao cho nhiều để tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi làm nghề trong tâm thế yêu nghề nên được giao làm việc gì cũng say sưa. Thích dịch chuyển nên tôi không ngần ngại đi công tác, càng đi đến những vùng càng hẻo lánh, càng heo hút, đường đi càng cách trở tôi càng thích. Càng đi, tôi càng thấy yêu quê hương đất nước, yêu con người ở những vùng đất tôi được đặt chân đến. Nhận xét này có vẻ văn hoa, nhưng tôi tin nhiều bạn đồng nghiệp của tôi nghĩ nó thành thật, vì chắc chắn họ từng có cảm nhận giống tôi”.

Một ví dụ điển hình cho logic “càng đi, càng yêu, càng say sưa” đó là chuyến đi công tác Ninh Bình để tìm hiểu về các câu lạc bộ chèo ở nông thôn. Hồi đó, ở Ninh Bình phong trào khôi phục lại văn hóa hát chèo phát triển mạnh mẽ. Nhiều câu lạc bộ chèo được ra đời. Cứ tối tối, bà con lại tụ tập nhau ở đình làng hoặc nhà văn hóa thôn/xóm để dạy nhau hát chèo. Chị tham dự các buổi sinh hoạt đó, sống cùng nó, thậm chí mê mải đến độ bỗng nhiên chị nhận thấy mình cũng… ư ử hát chèo!  “Ban đầu là tôi đi làm một việc. Nhưng rồi trong quá trình làm việc, tôi cảm nhận được niềm vui từ các nhân vật của mình lan tỏa tới.  Tất nhiên cũng có nhiều sự việc, nhân vật mà sau khi tiếp cận xong, tôi thấy mệt mỏi, chán chường. Nhưng những gì đọng lại cho đến nay, phần lớn là kỷ niệm vui với những gương mặt người đáng mến”, chị tâm sự.

Tâm sự của nữ nhà báo 17 năm gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam

Nhà báo Qúy Hiên Trong một lần phỏng vấn cố PGS Văn Như Cương. Ảnh NVCC.

Khoảng năm 2003, chị được báo Văn hóa giao thêm mảng giáo dục. Tháng 1 năm 2005, chị chuyển sang báo Tiền Phong, chuyên tâm làm mảng giáo dục cho đến nay, kể cả khi đã chuyển về  báo Thanh Niên.

Gắn bó 17 năm với mảng giáo dục, chị có cơ hội quan sát kỹ lưỡng và nắm rõ những vấn đề mà ngành giáo dục từng trải qua. Chị tâm sự: “Ngần ấy thời gian cho tôi hiểu cặn kẽ hơn những vấn đề hiện tại, hiểu lịch sử của nó, nó vận động ra sao và bây giờ đang như thế nào!”.

Nhắc về những thay đổi của ngành giáo dục, nhà báo Quý Hiên lại có những suy tư. Chị nói: “Dường như, ngành GD-ĐT không có nhiều thay đổi. Các vấn đề đặt ra của những năm 2003 và 2005 cho đến nay vẫn chưa được giải quyết như: vấn đề quá tải của các trường công, hay như chuyện học thêm -dạy thêm tràn lan, nạn học nhồi nhét, bệnh thành tích, gian lận thi cử, tình trạng lạm thu, bạo lực học đường… Năm này qua năm khác, dù truyền thông có phản ánh nhiều, nhưng vẫn còn tồn tại”.

Chị cũng dẫn chứng thêm, năm 2014, GS Ngô Bảo Châu tổ chức một hội thảo đối thoại giáo dục, trong đó có đưa ra những vấn đề cần phải giải quyết ở giáo dục đại học ở Việt Nam. Trong quá trình chuẩn bị tổ chức hội thảo, có một đại biểu tặng nhóm tổ chức cuốn kỷ yếu hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho giáo dục đai học Việt Nam được tổ chức trước đó 15 năm. Phần lớn vấn đề trong cuốn kỷ yếu  là các vấn đề được bàn bạc tại hội thảo do GS Ngô Bảo Châu tổ chức. Đến bây giờ, sau 6 năm kể từ hội thảo của GS Ngô Bảo Châu, nhiều vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Nhìn lại chặng đường 17 năm gắn bó với mảng giáo dục, đôi khi chị cũng có chút nản lòng vì những gì mình và đồng nghiệp làm được như muối bỏ bể trong ngổn ngang các vấn đề của GD-ĐT nước nhà. Nhưng rồi nghĩ đến sự nỗ lực, đến tâm huyết của từng nhà giáo, nhà khoa học cụ thể mà chi có duyên gặp gỡ trong hành trình làm báo, nghĩ về sự tin tưởng của nhiều phụ huynh dành cho chị và các đồng nghiệp, chị lại có thêm động lực để gắn bó, tận tâm với nghề. Chị nói: “Tôi hạnh phúc vì được làm nghề mà mình đam mê. Với tôi, nó không chỉ là một nghề để mưu sinh, mà hơn thế, nó là một nghề giúp tôi được góp phần bé nhỏ của mình vào việc thúc đẩy sự công bằng, tạo dựng một xã hội văn minh”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm sự của nữ nhà báo 17 năm gắn bó với ngành giáo dục Việt Nam