Theo Bộ Tài chính, kể từ Quý II/2023, tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại.
Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới
Theo Bộ Tài chính, để phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động đối với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo "quản lý chặt chẽ các tổ chức tham gia thị trường. hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý thị trường tài chính, tăng cường công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật đối với thị trường tài chính...”.
Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số số 153/2020/NĐ-CP (Nghị định số 65) được ban hành là nỗ lực của Chính phủ để thực hiện chủ trương nêu trên của Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục phát triển thị trường theo hướng ngày càng bền vững, minh bạch và hiệu quả.
Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường TPDN bị tác động nặng nề sau vụ việc vi phạm trong năm 2022, thị trường hầu như mất thanh khoản, nhà đầu tư mất niềm tin nên Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 05/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế (Nghị định số 08).
Sau khi Nghị định số 08 được ban hành, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ, kể từ Quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Các doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu mới, huy động vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, khối lượng phát hành tăng dần, tháng sau cao hơn tháng trước.
Từ khi Nghị định số 08 có hiệu lực thi hành (ngày 05/3/2023) đến hết ngày 01/12/2023, có 74 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 219,2 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, một số doanh nghiệp có nguồn lực tài chính đã chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, khối lượng mua lại trước hạn là 207,5 nghìn tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022). Một số doanh nghiệp khó khăn về thanh khoản đã đàm phán với nhà đầu tư để cơ cấu lại nợ trái phiếu.
68 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu đã có phương án đàm phán
Bộ Tài chính đã công bố những kết quả tích cực việc thực hiện Nghị định số 08 sau khi hết thời gian ngưng hiệu lực thi hành một số quy định tại Nghị định số 08 (ngày 31/12/2023).
Cụ thể, đối với các quy định: (i) doanh nghiệp và nhà đầu tư đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác và (ii) các trái phiếu đã phát hành trước ngày 16/9/2022 được đàm phán để kéo dài kỳ hạn tối đa không quá 02 năm, theo Bộ Tài chính, triển khai quy định này tại Nghị định số 08, thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp chủ động đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác (chủ yếu bằng sản phẩm bất động sản), kéo dài kỳ hạn trái phiếu.
Tính đến hết tháng 11/2023, gần 40% khối lượng trải phiếu của 68 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu đã có phương án đàm phán (30,8 nghìn tỷ đồng).
Về chính sách ngưng hiệu lực thi hành quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân mua TPDN riêng lẻ, khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08 quy định ngưng hiệu lực thi hành quy định “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay đến hết ngày 31/12/2023.
Mục tiêu của chính sách này khi ban hành Nghị định số 08 theo Bộ Tài chính là nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính có thêm thời gian để tích lũy đủ 180 ngày để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định mới tại Nghị định số 65. Đến nay, sau 09 tháng thi hành Nghị định số 08, mục tiêu này đã đạt được, nhà đầu tư đã có thời gian tích lũy đủ 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của Nghị định số 65.
Từ khi triển khai Nghị định số 08 đến hết tháng 11/2023, nhà đầu tư cá nhân mua hơn 8,5 nghìn tỷ đồng TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp (chiếm 3,9% khối lượng phát hành); trên thị trường thứ cấp nhà đầu tư cá nhân nắm giữ hơn 3,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu tại thời điểm ngày 30/6/20234. Theo đó, tỷ trọng mua và nắm giữ của các nhà đầu tư cá nhân có xu hướng giảm.
Về chính sách ngưng hiệu lực thi hành quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cũng theo Bộ Tài chính, thời điểm ban hành Nghị định số 08 chỉ có 02 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, đến nay Bộ Tài chính đã cấp phép thêm cho 01 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm là Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (đây là doanh nghiệp có vốn góp của tổ chức xếp hạng quốc tế Moody's).
Từ ngày 01/01/2023, TPDN phát hành ra công chúng đã thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với các trường hợp: (i) tổng giá trị trái phiếu huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; hoặc (ii) tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu và không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Căn cứ quy định này các doanh nghiệp phát hành ra công chúng năm 2023 đều không thuộc trường hợp bắt buộc xếp hạng tín nhiệm, có 01 doanh nghiệp là Công ty Núi Pháo đã tự nguyện thực hiện xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành dù không thuộc trường hợp bắt buộc.
Đối với TPDN phát hành riêng lẻ, Bộ Tài chính cho hay, từ khi Nghị định số 08 có hiệu lực thi hành đến hết tháng 11/2023, nếu áp dụng quy định của Nghị định 65 thì có 15 doanh nghiệp thuộc trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm theo quy định. Mặc dù yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN riêng lẻ là chưa bắt buộc, từ năm 2022 đến nay 02 doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trong nước đã thực hiện đánh giá và công bố kết quả đánh giá cho 33 doanh nghiệp.
Còn về chính sách ngưng hiệu lực thi hành quy đinh giảm thời gian phân phối trái phiếu, trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn về thanh khoản, doanh nghiệp cần cân đối và huy động các nguồn lực để thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn giai đoạn 2023-2024, Nghị định số 08 cho phép ngưng hiệu lực thi hành chính sách giảm thời gian phân phối trái phiếu của các đợt chào bán (từ 90 ngày xuống 30 ngày). Từ khi triển khai đến nay, chính sách ngưng hiệu lực thi hành quy định giảm thời gian phân phối trái phiếu cũng đã góp phân hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi khi phát hành trái phiếu mới.