Theo các số liệu khả tín, hiện đang có 300 hội ở Trung ương và khoảng 2.000 hội ở cấp tỉnh. Nếu thống kê hết các hội cấp cơ sở huyện xã thì sẽ có thêm dăm ngàn hội. Điều đáng bàn không phải chỉ là số lượng mà chính là hoạt động của các hội.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã kiểm tra hoạt động của Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Hội này được thành lập là tổ chức xã hội, tập hợp hội viên, gồm những cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, những người từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động hội này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định theo như đơn thư tố cáo của chính cán bộ chiến sĩ từng chiến đấu trên mặt trận Quảng Trị năm 1972. Bộ Nội vụ đã kết luận về những vi phạm của Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị: kết nạp hội viên không đúng đối tượng, thành lập 22 tổ chức trực thuộc sai quy định, vi phạm quy định trong hoạt động tham gia tìm kiếm hài cốt liệt sĩ… Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, xử lý nghiêm.

Sai phạm của hội này được liên hệ với việc thảo luận về dự án Luật về hội ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần đầu tiên góc khuất về thành lập các  hội được làm rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,  thực tế có nhiều Thứ trưởng cứ về hưu là thành lập một hội, rồi xin nhà, xin xe, xin ngân sách, thậm chí xin biên chế nữa. Vừa rồi biết sắp ra đời Luật về hội này, có một số Bộ trưởng gặp Chủ tịch Quốc hội, nói lo lắm bởi ở bộ của họ đã có một số hội rồi, mà hội nào cũng ra đời chính đáng, cứ đeo bám xin tiền, xin chỗ làm việc, xin xe thì rất là mệt.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thực ra nhiều hội hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội để hoạt động, nhưng quá nhiều hội, thành ra việc đi vận động doanh nghiệp, vận động tài trợ cũng khiến doanh nghiệp than vãn.

Ra đời luật này để quy định nguyên tắc, chính sách, quyền, nghĩa vụ và cả các điều cấm để chúng ta quản lý nhà nước.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong dự thảo luật cấm cán bộ công chức tham gia điều hành và chỉ được thực hiện quyền này khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân công.

Giải trình thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, do nhiều vị chuẩn bị nghỉ hưu thì xin thành lập Ban vận động và cuối cùng đều được thành lập hội, chuyện này rất nhiều nên trong dự thảo Luật về hội, đề nghị đối với cán bộ công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau 5 năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập, ban lãnh đạo của hội.

Đã có nhiều ý kiến đề nghị sớm luật hóa việc thành lập hội, tránh dùng hội để vụ lợi và khắc phục thực trạng nhiều hội hữu danh vô thực hoặc vẫn xin kinh phí từ ngân sách.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá nhiều hội!