Phá rừng - vấn nạn tàn phá hệ sinh thái

Đan Hà| 26/09/2020 12:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhìn, nghe đâu đó có vụ phá rừng, có cây xanh bị đốn hạ cứ tưởng như việc xa lạ chẳng liên quan gì đến chúng ta, nhưng thật ra lại đang có một tương quan kết nối chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của mỗi người.

Mới đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, UBND huyện Lạc Dương và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà để chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ đầu độc rừng thông tại tiểu khu 145B (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương).

Lực lượng chức năng của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương phát hiện vạt rừng trên đường từ thị trấn Lạc Dương đi xã Đạ Sar có dấu hiệu bị bức tử (ảnh: SGGP)

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo chỉ đạo khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ đầu độc rừng thông tại tiểu khu 145B (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương). Có 50 cây thông ba lá đường kính từ 25-58cm, cao từ 9-14m bị chết trên diện tích 5.457m2, lực lượng chức năng xác định những gốc thông này đều bị khoan lỗ sâu vào thân cây, sau đó bị đổ hóa chất đầu độc chết.

Phá rừng - vấn nạn tàn phá hệ sinh thái

Lực lượng chức năng của Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương phát hiện vạt rừng trên đường từ thị trấn Lạc Dương đi xã Đạ Sar có dấu hiệu bị bức tử (ảnh: SGGP)

Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7732/VPCP-NN truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng giao các Bộ NN&PTNT, TN&MT kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật về vụ việc chặt phá rừng già tại Phú Yên.

Tháng 5/2020, một vụ chặt phá rừng tại vùng giáp ranh giữa hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa, Phú Yên đã được phát hiện thông qua thông tin từ báo chí. Lâm tặc phá rừng công khai, thậm chí còn dùng phương tiện cơ giới để làm đường mới vào rừng để thuận tiện cho việc khai thác và vận chuyển gỗ. Tổng cộng có gần cả km đường được lâm tặc mở và hàng trăm cây gỗ lớn bị bỏ lại tại hiện trường khi vụ việc được phát hiện. Công an tỉnh Phú Yên đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản để điều tra làm rõ.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc cây rừng bị tàn phá được phát hiện. Rất nhiều cánh rừng già khác đã bị tàn phá, khi phát hiện chỉ còn bãi đất trống trơ chọi. Rừng ở xa bị chặt phá đã đành, nhiều cây xanh giữa trung tâm thành phố cũng bị đầu độc cho đến chết chỉ đế phục vụ lợi ích của một vài người nào đó.

Những cánh rừng bị tàn phá kéo theo sự mất cân bằng sinh thái khi thảm thực vật bị biến dạng, các loại động vật sống cộng sinh trong rừng mất đi môi trường sống quen thuộc dẫn đến nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Mất rừng còn khiến nguy cơ lũ lụt trở nên trầm trọng. Những năm gần đây, thảm họa từ những cơn lũ đã khiến chúng ta không khỏi bàng hoàng. Nhiều ngôi làng chỉ trong một đêm đã bị cuốn bay không còn dấu tích, nhiều người dân đã bị bỏ mạng trong cơn lũ dữ.

Ngay tại các thành phố lớn, tốc độ phát triển của đô thị kéo theo hàng loạt cây xanh bị chặt hạ. Mảng xanh thành phố, được ví như lá phổi xanh mà bất cứ đô thị nào cũng cần để có một môi trường không khí trong lành, đang ngày một thu hẹp. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đến mỗi người chúng ta.

Nhìn, nghe đâu đó có vụ phá rừng, có cây xanh bị đốn hạ cứ tưởng như việc xa lạ chẳng liên quan gì đến chúng ta, nhưng thật ra lại đang có một tương quan kết nối chặt chẽ, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của mỗi người. Bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng, mỗi người trồng và chăm sóc thêm một mảng xanh là góp phần bảo vệ hệ sinh thái cũng chính là bảo vệ chất lượng sống của chính mình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phá rừng - vấn nạn tàn phá hệ sinh thái