Làm sao cạnh tranh nổi!

Bảo Dân| 17/07/2020 09:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Lý do chính khiến chi phí logistics tại Việt Nam đang ở mức cao, là bởi các công ty trong nước không có năng lực tốt.

Hội nghị về Giải pháp cắt giảm chi phí logistics diễn ra gần đây bỗng “nóng lên” về chi phí vận chuyển 1 container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Nhật chỉ có 15 triệu đồng, sang  Mỹ chỉ 40 triệu đồng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có lần thừa nhận rằng chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Báo chí từng công bố chi phí vận chuyển từ TP.HCM đi Vũng Tàu đắt hơn sang Singapore.

Con số cụ thể là 1 container từ quận 7, TP.HCM, chuyển đi Vũng Tàu chỉ 120 km nhưng tốn đến 5,2 triệu đồng. Riêng vé cầu, vé BOT 1,2 triệu đồng. Trong khi cũng container đó chuyển sang Singapore chỉ 1-2 triệu đồng. Và sang Thái Lan chỉ 5-10 USD/container.

Nước ta hiện có khoảng 3.000 DN kinh doanh dịch vụ logistics, nhưng chỉ có 1.300 DN hoạt động thường xuyên, có quy mô 20-22 tỷ USD/năm, chiếm gần 20,9% GDP của cả nước.

Nếu chỉ tính riêng khâu vận tải, chiếm từ 40-60% tức là khoảng 10 tỷ USD đã là một thị trường dịch vụ khổng lồ. Mặc dù vậy, hầu hết các công ty này chỉ làm dịch vụ các chuỗi cung ứng nhỏ trong một số phân khúc như: Dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ tại các cảng... Trong khi đó, các hoạt động lớn hơn, mang tính liên vận quốc tế đều do thiểu số các công ty, tập đoàn đa quốc gia đảm trách với khoảng 30 DN cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia đang hoạt động thâu tóm hầu hết dịch vụ logistics quốc tế.

Lý do chính khiến chi phí logistics tại Việt Nam đang ở mức cao, là bởi các công ty trong nước không có năng lực tốt. Ngoài ra, việc thiếu hệ thống thông tin hiện đại trong khi khung pháp lý và các quy định về logistics vẫn còn khó khăn và phức tạp cũng ảnh hưởng tới ngành logistics Việt Nam. Những vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn khi các công ty mở rộng hoạt động kinh doanh ra ngoài các thành phố lớn.

Giám đốc một công ty cổ phần logistics cho rằng cơ chế chính sách của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp khiến các DN logistics trong nước thiếu một “hành lang pháp lý “ để hoạt động. Cụ thể, ngoài quyết định cách đây 5 năm là quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển logistics ở Việt Nam cho đến nay Việt Nam chưa có luật hay chính sách nào được ban hành nhằm thực thi việc triển khai loại hình này. DN muốn kinh doanh dịch vụ logistics phải tự mày mò tìm lối đi để hình thành trung tâm, tự tìm quỹ đất, đầu tư hạ tầng, trang thiết bị; tự lo vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và tự chịu mọi rủi ro… mà không có một ưu đãi nào khác.

Hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics, tái khẳng định nghịch lý chi phí logistics cần được xử lý rốt ráo trong thời kỳ hậu Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế.

Nếu chi phí logistics vẫn y nguyên thì đúng như than vãn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vậy thì làm sao chúng ta cạnh tranh nổi! 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm sao cạnh tranh nổi!