Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 là một dự án lớn có mức đầu tư trên 41.000 tỉ đồng, sau 9 năm xây dựng đã giải ngân 32.000 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư gần 41.800 tỷ, hoàn thành khoảng 83% khối lượng nhưng đang có nguy cơ bị dừng do vướng cơ chế tài chính.
Tấm áo may sắp xong thiếu cái dải nên đành bỏ đấy ư?
Điều gì sẽ xảy ra nếu năm 2020 dự án Nhiệt điện Thái Binh 2 (NĐTB 2) không phát điện? Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, trong bối cảnh nguồn cung điện khó khăn, dự báo năm 2021 thiếu 6,6 tỷ kWh, và 15 tỷ kWh vào năm 2023...
Việc mỗi năm có thêm 7 tỷ kWh điện từ dự án NĐTB 2 là rất quan trọng. Nếu không có 7 tỉ kWh, sẽ phải huy động chạy dầu giá cao, hơn 5.000 đồng một kWh, tức là tốn 35.000 tỷ đồng nếu dự án chậm đi vào vận hành một năm. Và mỗi ngày chậm phát điện dự án phải trả lãi vay tới 6 tỉ đồng!
Được biết, dự án NĐTB 2 khởi công năm 2011 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư và Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC. Sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và lãnh đạo PVC tại dự án này khiến dự án rơi vào tình cảnh bỏ thì thương, vương thì tội.
Theo ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với 32.000 tỷ đồng đã rót, nếu bây giờ dự án phải dừng thì "đau xót vô cùng". Nhưng để dự án tiếp tục triển khai và về đích vào năm 2020 thì khó khăn cần giải quyết lúc này là tiền và cơ chế tài chính mới cho dự án.
Câu hỏi đặt ra, PVN sẽ lấy tiền đâu để tiếp tục thực hiện dự án này khi các nguồn vay trong nước và nước ngoài đều “nói không” sau loạt sai phạm của tổng thầu PVC? Trong kiến nghị, PVN đề nghị được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu của tập đoàn để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, muốn vậy thì phải thay đổi cơ chế, cơ cấu tài chính của dự án. Cụ thể, trước đây, cơ cấu vốn dự án được phê duyệt theo tỷ lệ 30/70 (vốn chủ sở hữu/vốn vay), nhưng sau những sai phạm, PVC không thể vay vốn thương mại trong, ngoài nước. Để tiếp tục thực hiện dự án, từ đầu năm 2019, Hội đồng thành viên PVN đã có văn bản kiến nghị các cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cho phép tập đoàn sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án, với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh. Và để làm được việc này thì cần thay đổi cơ cấu huy động vốn dự án từ 30/70 trước đây sang chủ yếu dùng vốn chủ sở hữu, tỷ lệ khoảng 66/34.
Việc thay đổi tỷ lệ cơ cấu vốn của dự án này, theo các chuyên gia là có thể chấp nhận được. Trong các báo cáo gửi cấp có thẩm quyền, PVN xin phép được sử dụng 2.500 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu để giải ngân cho dự án với điều kiện không vượt tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Được biết, tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Trung ương cho PVN cơ chế đặc biệt huy động vốn chủ sở hữu hoặc vốn vay, cơ chế giải ngân vốn để tháo gỡ vướng mắc cho dự án. Đừng vì thiếu cái dải mà tấm áo sắp xong đành dang dở!