Tài liệu ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can có được coi là chứng cứ trong tố tụng?

Quốc Huy| 10/11/2015 21:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là băn khoăn của không ít Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận quy định về bắt buộc ghi âm, ghi hình, hỏi cung bị can tại Điều 119 dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chỉ nên ghi âm, ghi hình trong một số trường hợp

Về việc bắt buộc ghi âm, ghi hình, hỏi cung bị can tại Điều 119 của dự thảo Luật, các đại biểu đồng tình với các lý do: Những quy định này do chính Bộ Công an đề xuất cho nên có cơ sở để thực hiện; tránh những trường hợp ép cung, nhục hình nghiêm trọng đã xảy ra thời gian gần đây và  bị can, bị cáo cũng không thể nại lý do phản cung, chạy tội, bảo đảm cho tính khách quan, trung thực của CQĐT.

Song, vẫn còn nhiều ĐB băn khoăn, nên ghi âm, ghi hình mỗi lần hỏi cung hay chỉ ghi khi cần thiết cũng như tính khả thi của những biện pháp này. Vì thực tế, mỗi một vụ án, một bị can bị hỏi cung ít nhất là 5 lần với 5 bản cung, tương đương với 5 tiếng ghi âm, ghi hình. Với thời lượng như vậy, việc thực hiện và bảo quản những tài liệu này là điều không hề đơn giản.

Hơn nữa, việc sử dụng băng ghi âm, ghi hình như thế nào nếu bị can, bị cáo phạm tội rõ ràng, tại phiên tòa, HĐXX có phải kiểm tra lại những tài liệu này hay không? Khi chuyển hồ sơ vụ án qua Tòa án thì Viện kiểm sát có cần phải chuyển những băng ghi âm, ghi hình này theo với tư cách là một chứng cứ trong hồ sơ vụ án hay không?

Tài liệu ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can có được coi là chứng cứ trong tố tụng?

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh phát biểu

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn, quy định như vậy, nếu CQĐT thực hiện việc hỏi cung mà không ghi âm, ghi hình thì được xem là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Vậy hậu quả pháp lý của người vi phạm tố tụng nghiêm trọng này như thế nào và khi Tòa án xét xử có được tuyên bố việc điều tra này vô hiệu không? Có được hủy kết quả điều tra để trả về làm lại cho đúng tố tụng hay không? “Nếu Tòa án có quyền được như thế thì đề nghị cũng phải bổ sung ở trong điều, chương nghị án và tuyên án. Điều 322 quy định rõ, Tòa án có quyền tuyên hủy kết quả điều tra để buộc điều tra lại”, ĐB nhấn mạnh.

ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) cho rằng, quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung với tất cả các vụ án hình sự là không cần thiết, khó khả thi, không phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Vì cơ sở vật chất của CQĐT ở cấp huyện nhiều tỉnh hiện nay chưa thể đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hàng năm, CQĐT thụ lý hàng trăm ngàn vụ án hình sự, nếu bắt buộc ghi âm, ghi hình thì kinh phí phải tăng nhiều tỷ đồng, chưa kể đầu tư sửa chữa, quản lý, khai thác để lắp đặt máy ghi âm, ghi hình.

ĐB Trần Đình Sơn (Đắc Lắk) cũng đề nghị, chỉ nên ghi âm, ghi hình những vụ án có tổ chức, vụ án phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, án truy xét. Vì nguyên nhân xảy ra tình trạng oan sai, bức cung, nhục hình hầu như ở những loại án này.

Cần bổ sung quy định về Tòa gia đình và người chưa thành niên

Liên quan đến quy định về quyền đọc và ghi chép tài liệu, hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo, dự thảo Bộ luật quy định theo hướng khi kết thúc điều tra bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa khi họ có yêu cầu.

Nhiều ĐB đề nghị việc ghi chép tài liệu nên giới hạn thời điểm nào vì nếu như tại phiên tòa mà bị cáo lại đòi được đọc, ghi chép tài liệu sẽ phải hoãn phiên tòa, rất phức tạp. Do vậy cần quy định chặt chẽ tránh trường hợp tạo khe hở để bị can, bị cáo, người có liên quan… có lý do để xin hoãn phiên tòa. ĐB Huỳnh Ngọc Ánh cho rằng “nên quy định rõ, 5 ngày trước khi mở phiên tòa, bị can, bị cáo không được quyền yêu cầu ghi chép, đọc tài liệu vụ án để tránh trường hợp bị lạm dụng”.

Một nội dung quan trọng khác vẫn chưa quy định trong dự thảo là thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) và một số ĐB khác đã đề nghị bổ sung thẩm quyền này. Đồng thời, bổ sung các quy định liên quan đến người chưa thành niên theo các hướng: Xây dựng thủ tục đặc thù áp dụng trong xét xử các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên cho phù hợp với những đặc điểm tâm sinh lý, bảo đảm tính thân thiện, tránh tác động tiêu cực đến sự phát triển và tái hòa nhập cộng đồng của họ, đặc biệt là chú trọng đến nguyên tắc giữ bí mật, đời tư cho người chưa thành niên.

Quy định cụ thể, chi tiết mối quan hệ phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát, CQĐT, các cơ quan và các tổ chức khác. Các cơ quan, tổ chức làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong việc giải quyết các vụ án người tham gia tố tụng là người chưa thành niên.

Cùng với đó là các quy định về sự tham gia của các chuyên gia về y tế, tâm lý xã hội trong việc xét xử các vụ án có bị cáo, người bị hại là người chưa thành niên và việc áp dụng các biện pháp trong trường hợp, người chưa thành niên phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự. Những yêu cầu đối với hình thức phòng xét xử, tổ chức phiên tòa xét xử bảo đảm tính thân thiện, giữ bí mật đời tư, tránh tác động tiêu cực đến tâm lý và việc tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên…

Liên quan đến quy định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo Điều 276 dự thảo Bộ luật, ĐB Nguyễn Thành Bộ (Thanh Hóa) đề nghị bỏ điểm đ Điều này là: Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong trường hợp: “Viện kiểm sát có văn bản đề nghị trả hồ sơ để bổ sung chứng cứ; thay đổi, bổ sung cáo trạng; khắc phục vi phạm thủ tục tố tụng”. Vì khi xem xét thấy hồ sơ vụ án thuộc một trong các trường hợp: Có hành vi phạm tội khác của bị can, bị cáo; vi phạm tố tụng nghiêm trọng… (quy định tại các điểm a, b, c, d), Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải chủ động ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung luôn mà không chờ Viện kiểm sát đề nghị mới ra quyết định. Hơn nữa, việc quy định Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong trường hợp Viện kiểm sát có văn bản đề nghị dẫn đến tùy tiện, lạm dụng trong việc trả hồ sơ trên thực tế và kéo dài thủ tục tố tụng trong vụ án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài liệu ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can có được coi là chứng cứ trong tố tụng?