Năm 2012 và những năm tiếp theo, Chính phủ ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế...
Trong đó có tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước.
Ưu đãi nhiều nhưng kém hiệu quả
Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, đóng góp của các DNNN bao gồm các tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước có vai trò chủ đạo dẫn dắt nền kinh tế. Thực tế, hầu hết các DNNN hiện nay đang được hưởng nhiều ưu đãi, song hiệu quả thì kém hơn hẳn so với các loại hình kinh tế khác. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ suất lợi nhuận/vốn sản xuất kinh doanh của các DNNN giai đoạn 2007-2009 chỉ giao động trong khoảng 3,5-4,3%, doanh thu 6,3- 8,2%, trong khi đó khu vực kinh tế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt 9,1- 11,7% và doanh thu đạt 10,6- 13,1%; điều đó cho thấy hiệu quả của các DNNN chỉ bằng 50% so với các doanh nghiệp FDI.
Đội tàu biển của Vinalines - một DNNN hoạt động kém hiệu quả
Các chuyên gia cho rằng, ngoài những bất cập trên, các DNNN còn có biểu hiện của tình trạng độc quyền (điển hình như: Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than khoáng sản) làm méo mó thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như lợi ích nhà nước và làm hạn chế sự phát triển, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phó Giám đốc Học viện tài chính, PGS,TS Hoàng Trần Hậu cảnh báo: những hệ quả tồi tệ, sự yếu kém của khối DNNN đang làm cho các khoản nợ xấu ngày càng lớn. Nợ của DNNN là gánh nặng cho nợ công, Nhà nước sẽ phải chịu trách nhiệm trước những khoản nợ có bảo lãnh, vì thế nếu Nhà nước muốn trả nợ sẽ phải tăng thuế, đi vay hoặc in thêm tiền để trả nợ. Cả 3 khả năng này đều dẫn đến những hậu quả không tốt đối với nền kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, khi hiệu quả của khu vực DNNN kém sẽ dẫn đến đổ vỡ niềm tin của nhân dân, nhà đầu tư, các tổ chức tài chính quốc tế vào sức mạnh kinh tế nhà nước, từ đó làm giảm hệ số tín nhiệm quốc gia.
Cần đổi mới tư duy và nhận thức
Lần tái cấu trúc này cần làm dứt điểm, mạnh mẽ để tạo sự thay đổi căn bản trong quản lý điều hành. Theo đó, cần kiên quyết sắp xếp lại các DNNN hoạt động kém hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, chấn chỉnh tình trạng đầu tư tràn lan ra ngoài ngành. Việc sắp xếp, cổ phần hoá DNNN phải dựa trên cơ sở thị trường, tách rời nghĩa vụ xã hội với nhiệm vụ kinh doanh, có cơ chế áp dụng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế để các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng, cạnh tranh, minh bạch và không được tạo đặc quyền, đặc lợi cho các DNNN. Đặc biệt, việc tái cấu trúc phải hướng tới mục tiêu đổi mới quản trị, điều chỉnh ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, lao động, tiền lương.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, sau khi đã tái cấu trúc, việc quản trị cần có sự thay đổi căn bản, lựa chọn người quản lý điều hành thực sự có tài, có thể thuê giám đốc điều hành là người nước ngoài hay trong nước và mức lương thoả đáng để thu hút người điều hành, quản lý giỏi. Cùng với đó phải xây dựng quy trình quản trị nhân sự bằng các chính sách, quy trình cụ thể về chế độ đãi ngộ, thăng tiến và tuyển dụng.
Mặt khác, để tái cấu trúc DNNN, trước hết cần đánh giá lại mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, yêu cầu DNNN chỉ tập trung vào những ngành nghề chính được giao; xoá bỏ ngay các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm trong các tập đoàn.
Theo TS Ngô Văn Hiền, Học viện Tài chính thì, trong thời gian tới, muốn tái cấu trúc thành công, trước hết cần đổi mới tư duy nhận thức về DNNN và quyền tự do kinh doanh của DNNN. Đặc biệt, cần cơ cấu lại ngành, nghề và lĩnh vực đầu tư của từng DNNN, không nhất thiết thành lập DNNN ở tất cả các Bộ, ngành. Cùng với đó, phải cơ cấu lại quy mô DNNN để thực sự vững mạnh, đủ sức gánh vác trọng trách chủ lực của nền kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; đồng thời cần minh bạch hoá thông tin, xoá bỏ những ưu đãi phi thị trường, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả tái cấu trúc lại DNNN.
Minh Giang