Sức trẻ giữa mây mù

Nam Hoàng| 17/03/2017 11:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong các phong trào đi xây dựng, vì sự phát triển của vùng cao, đặc biệt là việc giúp đồng bào diệt “giặc dốt”, có sự tham gia của rất nhiều người với tuổi đời còn rất trẻ.

Bằng niềm say mê và lòng nhiệt huyết của mình, họ đang ngày đêm góp phần đánh thức nhiều vùng đất hoang vu.

Nhọc nhằn gieo chữ

“Mùa đông, nhiều hôm nước trong lu đông thành đá. Sáng muốn có nước đánh răng rửa mặt, phải đục đẽo cả tảng bỏ vào nồi đun lên cho nó tan ra. Nhưng, điều ám ảnh và sợ nhất đối với cánh giáo viên cắm bản như bọn em là mưa rừng. Nó rả rích, nhớp nháp cả tháng trời. Còn bão nữa, bão miền núi về nhanh như chớp. Có đêm, mưa quất ràn rạt, gió giật tứ bề, em và  mấy đứa học trò chỉ biết ôm đống sách vở, giáo án chui vào gầm bàn chờ trời sáng…”. Nguyễn Văn Bình (SN 1987, giáo viên cắm bản ở Quan Thần Sán, Si Ma Cai, Lào Cai), kể về những kỷ niệm trong “cuộc trường chinh gieo chữ trên miền đá” của mình như thế.

Sức trẻ giữa mây mù

Đường đến trường của Nguyệt và đồng nghiệp

Bình quê miền trung du Phú Thọ. Năm 2008, cậu tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm. Mặc mẹ già khóc hết nước mắt, mặc cô người yêu dọa “đi lấy chồng khác”, Bình vẫn quyết tâm vác ba lô xung phong lên vùng cao dạy học. Dù đã tìm đọc qua sách báo, nhưng khi đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, cảm giác đầu tiên của cậu là vô cùng choáng ngợp. Ngước về bốn phía đều là đá núi điệp trùng, nhà cửa, dân cư thưa thớt. Nhưng, điều khiến Bình bị ám ảnh nhất đó là những đứa trẻ người dân tộc quen ở truồng, rét tím tái, thịt da ngoang nguếch, “sinh thực khí” hồn nhiên phô ra, lấm lem bùn đất. Cha mẹ chúng nuôi con như núi rừng nuôi cỏ.

Cho đến trước khi cắp sách bước vào lớp một, trẻ em ở nhiều bản làng mà Bình đã đi qua, hầu như các cháu không biết đến khái niệm mặc quần, đi dép, đội mũ và tiếng Kinh. Điểm trường Bình công tác chỉ là một căn nhà cấp 4 đứng xiên xẹo trên lưng núi. Trường tất thảy chỉ hơn chục học sinh, nhưng lại trải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Đứa lớn nhất 16, nhỏ nhất cũng vừa 8 tuổi.

Đêm đầu tiên ngủ lại trong ngôi trường mới, Bình đã không cầm nổi lòng mình. Cậu khóc vì sự cô đơn, trống trải, khóc vì nhớ nhà. Đã ba bốn lần sắp đồ đạc, tư trang định quay về, nhưng, chính những đứa trẻ học trò mặt mũi ngây ngô, mắt trong veo như nước suối kia đã níu chân Bình ở lại.

Sáng nào cũng vậy, công việc đầu tiên của Bình là điểm danh xem lớp có vắng hay không, học sinh nào bỏ học. Thậm chí, nhiều hôm cậu phải băng rừng, lội suối đến tận nhà vận động bố mẹ các em cho con cái họ đến trường. Bấy giờ, vận động trẻ con dân tộc người Mông, Nùng, La Chí, Cờ Lao… đi học là rất khó. Bởi, nhà các em quá xa, leo núi mất cả ngày đường. Trời mưa là đám trẻ núi bỏ học hàng loạt. Có hôm cả trường chỉ hai học trò đến lớp. Nhiều em đến trường còn phải địu theo cả em để vừa học vừa trông. Mỗi lần đứa bé trong địu khóc là cả lớp lại nháo nhào như vỡ chợ…

Phần nữa vì đa phần những gia đình ở đây đều nghèo, miếng cơm manh áo đối với họ luôn là điều quan tâm nhất, còn chuyện học chỉ là thứ yếu, thế cho nên, công tác vận động của Bình gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng, vì nể cái tình của thầy giáo, dần dà các bậc phụ huynh cũng bớt chuyện bắt con ở nhà chăn bò, lên nương, lấy chồng, lấy vợ thay vì đi học. Khi lớp học dần đi vào ổn định, Bình lại chạy đôn, chạy đáo, vận động bà con dân bản góp tre pheo, gỗ lạt để tu sửa lại phòng học cho đỡ dột. Nhờ vậy, giờ lớp học của Bình đã khang trang hơn, và số lượng học sinh cũng tăng lên dần theo mỗi năm học mới.

Mỗi tháng, Bình băng rừng về phố huyện một lần, vừa để lĩnh lương, vừa để mua đồ dùng học tập và nhu yếu phẩm. Nhiều khi, chân cậu tơ tướp máu vì trải qua nhiều giờ đồng hồ cuốc bộ trên hàng chục kilomet đường dốc dác đá tai mèo. Công cuộc gieo chữ, trồng chữ trên đá của cậu đôi khi phải trả giá bằng cả máu và nước mắt. Suốt 3 năm đầu, Bình không một ngày dứt ra được bộn bề công việc để về thăm quê.

Chăm trò như chăm con

Nằm cheo leo trên vách núi, điểm trường tiểu học Vân An (Chi Lăng, Lạng Sơn) nhỏ như một dấu chấm mà người ta chỉ nhận ra vì ở đó có cắm lá cờ đỏ sao vàng. Lớp có 8 em, chủ yếu là học sinh người dân tộc Tày. Xã Vân An, một trong những xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, có tới vài điểm trường như thế. Mỗi bản xa lại có một điểm trường.

Sức trẻ giữa mây mù

Thầy giáo trẻ Nguyễn Văn Bình bên những học trò của mình

Cách đây hơn 10 năm, khi mới nhận quyết định về đây công tác, ngoái nhìn về bốn phía đều thấy núi rừng vây bủa, cô giáo Hoàng Thị Nguyệt đã khóc, khóc liền tù tì một tuần liền. Bản xa quá, heo hút quá, từ huyện vào tới mấy chục cây số, đường nhựa chỉ có một nửa, còn lại là đường mòn treo trên miệng vực, sóng điện thoại thì không có, Nguyệt như sống tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

Bản nhỏ chỉ có 18 nóc nhà, chủ yếu là người Tày và người Nùng. Bà con mang đến gửi Nguyệt 8 đứa trẻ, đứa lớn nhất 8 tuổi, đứa nhỏ vừa đủ tuổi vào lớp 1, tất cả đều chưa đứa nào nói được tiếng phổ thông. Mấy ngày đầu, công việc đầu tiên của Nguyệt tắm rửa, chải đầu, vệ sinh và dạy cho lũ trẻ bỏ thói quen dùng tay quệt mũi. “Chăm trò như chăm con” như thế nhưng cũng chỉ vài hôm, đám học trò của Nguyệt đứa nhớ mẹ, đứa nhớ em đòi về, có hôm lớp còn đúng 3 em. Không nản chí, Nguyệt hỏi thăm đường rồi lặn lội đến từng nhà để vận động các em đi học. Thấy cô giáo ân cần, gần gũi, lũ trẻ cũng dần “hợp tác”. Chúng bắt đầu chăm chỉ, chịu khó đến lớp thường xuyên hơn để bắt đầu học a, b, c. Con chữ cứ thế thấm dần vào bọn trẻ. Chừng hơn một tháng, học trò bám Nguyệt hơn bố mẹ, cô không còn phải tới từng nhà vận động….

Nguyệt kể: “Ngày đó, bản làng còn nghèo khó, đường xá đi lại khó khăn. Mỗi khi trời mưa, đường trơn trượt, gần như không thể đi được xe, chỉ có thể “cuốc bộ”. Ở đây, em không chỉ phải dạy chữ, gọi học sinh đi học mỗi ngày mà còn cùng người dân làm việc đồng, hướng dẫn người dân cách chăm con, vừa phải tranh thủ học tiếng dân tộc… Kể cả khi em lập gia đình, sinh con thì nhiều tối vẫn phải nhờ hàng xóm trông giúp để đi dạy xóa mù chữ cho đồng bào, có hôm đến tận 11 - 12h khuya mới về. Từ lúc thằng bé nhà em lớn lên một chút thì gửi về xuôi cho bà ở dưới TP. Lạng Sơn trông hộ, chứ ở trên này điều kiện chăm sóc không có, nhìn con tội lắm. Nhưng gửi con về dưới đó mình cũng khổ, nhớ nhung dứt ruột. Ban ngày còn đỡ, vì có lũ học trò quấn quýt, chứ mỗi khi chiều xuống thì lại nhớ chồng, nhớ con anh ạ! Có dạo em đi lâu quá, về con nhất định không theo…”.

Trung bình mỗi năm, Nguyệt thường chỉ được về vài ngày để thăm chồng, thăm con. Mỗi kỳ nghỉ hè, được đoàn tụ với gia đình là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Nguyệt. Chính vì lo sinh con sẽ vất vả cho chồng, cho gia đình, nên đứa con đầu của Nguyệt đã gần vào lớp 1 mà cô chưa hề dám nghĩ đến chuyện mang thai đứa thứ 2, mặc dù gia đình hai bên đều thúc giục. Bên cạnh chuyện gia đình, con cái, Nguyệt còn trăn trở về cuộc sống còn cơ cực, khốn khó của học sinh. Các em ở đây phần lớn đều có gia cảnh nghèo, ăn không đủ no, mùa rét không đủ áo ấm. Cô từng nhiều lần dùng đồng lương ít ỏi của mình mua sách vở và đồ dùng học tập, quyên góp quần áo, chăn màn cho học sinh, đến tận từng gia đình học sinh để tìm hiểu, động viên các em đi học. Đến nay, đã có nhiều thế hệ học sinh của cô trưởng thành, nên người. Học trò và người dân nơi đây chẳng ai không biết cô và cảm phục cô bởi tấm lòng yêu trẻ, yêu nghề đến tha thiết.

Nguyệt bảo: “Nếu ở thành phố, các em có thể học nhận biết mặt chữ, các con số. Còn ở đây việc quan trọng nhất đối với cô giáo là làm cho các em yêu thích lớp học, đồng thời dạy các em nói, nghe và hiểu được tiếng phổ thông. So sánh như vậy mới thấy việc dạy và học nơi đây còn khoảng cách rất lớn khó bề rút ngắn về môi trường và vật chất để thầy và trò của điểm trường có được một chất lượng giáo dục như vùng đồng bằng. Để các em thường xuyên đến lớp học như ngày hôm nay, em chỉ có một phần công sức thôi, chứ đó là công sức của nhiều lớp thầy cô giáo đi trước đã bám trường, bám bản vận động người dân cho con em đi học. Chúng em bây giờ thấy “hạnh phúc” rồi, vì ngày nay trong bản đã có phong trào học, cha mẹ và các em học sinh đều có nguyện vọng cho con đến lớp”.

Cứ thế, tháng này qua năm khác và dẫu phải đối mặt với trăm ngàn thiếu khó, những người trẻ như Bình, như Nguyệt và rất nhiều thanh niên khác, tri thức trẻ khác nữa, họ đã và đang cần mẫn góp phần công sức của mình để làm thức dậy nhiều vùng đất thậm hoang vu. Đồng thời, họ cũng giúp những đồng bào đời đời sống sau nách núi ủ mây mù hoang lạnh kia nhận ra tình yêu với “cái chữ của Bác Hồ”, để từ đó, “giặc đói”, “giặc dốt” cũng từng bước bị đẩy lùi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức trẻ giữa mây mù