Mãn kinh gây ra những thay đổi lớn về hóc-môn, khiến cho nhiều phụ nữ mắc phải những triệu chứng các bệnh khác nhau. Do vậy sự chuẩn bị tâm lý tốt hay chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp sức khỏe người tiền mãn kinh khả quan hơn.
Tiền mãn kinh là thời kỳ trước khi dứt hẳn kinh nguyệt của người phụ nữ, có thể xảy ra rất sớm và kéo dài từ 4-5 năm, trước khi người phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hoàn toàn. Mãn kinh là thời kỳ từ khi một người phụ nữ bình thường dứt hẳn kinh nguyệt được một năm. Tiền mãn kinh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên nhưng có thể đến sớm ở phụ nữ trẻ hơn mà bị cắt buồng trứng do bệnh lý.
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, buồng trứng bị suy yếu dần dần cho đến khi mất đi chức năng nội tiết. Khi buồng trứng không còn chức năng nội tiết, người phụ nữ sẽ ngưng hẳn kinh nguyệt và chấm dứt khả năng sinh sản của mình.
Buồng trứng tiết ra hai nội tiết tố quan trọng là Estrogen và Progesteron, trong đó Estrogen có một vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Nó tác động lên hầu hết các cơ quan, đặc biệt là xương khớp, cơ quan sinh dục nữ, hệ thần kinh và tim mạch.
Dấu hiệu thường gặp là sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt cũng như tính chất của kinh nguyệt. Người phụ nữ sẽ thấy tự nhiên vòng kinh thay đổi như là kinh ít, kéo dài và thưa dần, 1 tháng rưỡi, 2 tháng hoặc 3 tháng mới có kinh một lần. Có phụ nữ thì bị rong kinh, cường kinh hoặc là băng kinh. Dạng này thì thường nguy hiểm, gây rắc rối nhiều hơn dạng kinh thưa dần.
Ngoài dấu hiệu phổ biến là thay đổi chu kỳ cũng như tính chất khác của kinh nguyệt thì còn có những dấu hiệu khác cũng gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt, công việc hàng ngày của người phụ nữ như: Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon hay rối loạn giấc ngủ; Thay đổi tính tình, thay đổi tâm lý, tình cảm, dễ xúc động, hay khóc hay giận hờn, lo lắng, cáu gắt, mất bình tĩnh.
Rối loạn vận mạch biểu hiện bằng: nóng bừng mặt hay xuất hiện cơn bốc hỏa, toát mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực…; Đau nhức cơ, xương khớp; Tăng cân, béo phì do rối loạn chuyển hóa chất mỡ.
Rối loạn ham muốn tình dục, rối loạn khoái cảm với biểu hiện có người thì giảm ham muốn, có người thì tăng ham muốn nhưng thường thì giảm khoái cảm xuất hiện nhiều hơn và khó đạt cực khoái hơn.
Xuất hiện lão hóa da, tóc bạc màu và dễ rụng, gãy. Xuất hiện các rối loạn chuyển hóa như: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch… Có nguy cơ xuất hiện các bệnh lý của ung thư đường sinh dục nữ như: ung thư vú, cổ tử cung, tử cung và buồng trứng.
Nhưng nếu có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như các kiến thức về dinh dưỡng thì người phụ nữ tiền mãn kinh có thể chủ động hơn trong cuộc sống của mình. Đầu tiên là chế độ dinh dưỡng phù hợp:
- Ăn đủ canxi: Ăn uống 2-4 phần ăn các sản phẩm sữa và các thực phẩm giàu canxi mỗi ngày sẽ giúp đảm bảo rằng bạn đang nhận được đủ lượng canxi trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn. Canxi được tìm thấy trong các sản phẩm sữa, cá có xương (chẳng hạn như cá mòi và cá hồi đóng hộp), bông cải xanh, và các loại đậu. Một lượng đầy đủ canxi cho phụ nữ tuổi từ 51 trở lên là 1.200 mg mỗi ngày.
- Tăng lượng sắt trong chế độ ăn. Ăn ít nhất ba phần ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt mỗi ngày sẽ giúp đảm bảo lượng sắt cho cơ thể. Sắt có nhiều trong thịt nạc đỏ, thịt gia cầm, cá, trứng, rau lá xanh, các loại hạt, ngũ cốc và các sản phẩm phong phú. Lượng sắt cần thiết cho phụ nữ một ngày là 8mg.
- Có đủ chất xơ: Cần cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể. Chất xơ được lấy chủ yếu từ các loại ngũ cốc nguyên hạt, các loại bánh mì, mì ống, gạo, trái cây tươi, rau xanh. Một phụ nữ trưởng thành cần nhận được khoảng 21gram chất xơ mỗi ngày. Mỗi ngày phụ nữ nên ăn 1,5 chén trái cây và 2 chén rau sẽ cung cấp đủ lượng chất xơ cho cơ thể.
- Uống nhiều nước: 70% cơ thể là nước chính vì thế cần bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể để đảm bảo các bộ phận đặc biệt là tiêu hóa, bài tiết hoạt động một cách thông suốt. 8 ly nước mỗi ngày sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho hầu hết những người lớn khỏe mạnh.
- Sử dụng đường và muối trong chừng mực. Quá nhiều natri trong chế độ ăn uống có liên quan đến huyết áp cao. Nên hạn chế sử dụng các loại thịt hun khói, các thực phẩm nướng vì những thực phẩm này thường chứa lượng muối cao và cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
- Hạn chế uống rượu: Phụ nữ nên hạn chế uống rượu, tốt nhất là không nên uống, nếu có uống thì chỉ nên uống rượu vang và uống dưới 1 ly rượu mỗi ngày vì rượu có thể làm tăng những cơn nóng bừng vào thời kỳ mãn kinh.
- Giảm các loại thực phẩm nhiều chất béo: Chất béo chỉ nên cung cấp 25% đến 35% hoặc ít hơn của tổng số calo hàng ngày của bạn. Ngoài ra, mức giới hạn chất béo bão hòa ít hơn 7% trong tổng số calo hàng ngày của bạn. Chất béo bão hòa làm tăng cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt mỡ, sữa nguyên kem, kem và phomat. Hạn chế lượng cholesterol đến 300 milligrams (mg) hoặc ít hơn mỗi ngày. Cố gắng hạn chế tiêu thụ các chất béo trans, được tìm thấy trong dầu thực vật, nhiều bánh nướng, và một số loại bơ thực vật. Trans chất béo cũng làm tăng cholesterol và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Thường xuyên tập thể dục thể thao như: khiêu vũ, yoga… để duy trì sự dẻo dai của hệ xương cơ và giúp máu tuần hoàn đều khắp cơ thể. Thể dục với các bài tập phù hợp sẽ giúp duy trì vóc dáng gọn gàng, giúp tinh thần minh mẫn, lạc quan.
Một điều nữa mà phụ nữ cũng phải chú ý là việc đi khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng một lần để phát hiện và xử trí sớm các bệnh phụ khoa, trong đó có ung thư.