Sau khi có thông tin về việc lâm tặc đang tàn phá rừng tại bản Nà Đang, các cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc. Trách nhiệm của chủ rừng, kiểm lâm, chính quyền sở tại đều được nhắc đến.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những bức xúc của dư luận: Để vào được bản Nà Đang chỉ có con đường độc đạo có các chốt kiểm tra của chủ rừng, kiểm lâm. Vậy, tại sao gỗ vẫn “chui” ra khỏi rừng, qua mặt các cơ quan chức năng? Có hay không việc tiếp tay của các lực lượng bảo vệ rừng với lâm tặc? Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan cần được làm rõ.
Kỳ cuối: UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu làm rõ trách nhiệm
Từ thông tin Báo Công lý và một số báo khác đã phản ánh, ngày 19/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Lang Chánh kiểm tra, xử lý làm rõ thông tin báo nêu và báo cáo cho UBND tỉnh trước ngày 5/5/2014.
Tại Báo cáo số 86/HKL-PC gửi cơ quan báo chí, Chi cục kiểm lâm tỉnh về việc phá rừng tại bản Nà Đang, Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh thừa nhận việc “phá rừng” là có thật. Báo cáo xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan: “… Để xảy ra tình trạng khai thác gỗ trái phép nêu trên, trước hết do chủ rừng chưa tích cực tuần tra bảo vệ rừng (BVR), chưa triển khai một cách quyết liệt có hiệu quả các biện pháp BVR tại gốc, khi phát hiện có khai thác trái phép, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm truy tìm đối tượng; chính quyền địa phương xã Lâm Phú chưa tích cực chỉ đạo các lực lượng tuần tra BVR, chưa thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất rừng; kiểm lâm viên địa bàn chưa tích cực phối hợp tuần tra BVR, khi phát hiện có khai thác trái phép, chưa có giải pháp hữu hiệu truy tìm đối tượng để đưa ra xử lý theo quy định của pháp luật…”. Theo xác nhận của ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò (là chủ rừng), trên đường vào bản Nà Đang có hai chốt chặn bảo vệ. Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lang Chánh cũng cho biết: Gần UBND xã Lâm Phú có chốt bảo vệ của kiểm lâm vừa mới được tăng cường thêm người.
Rừng phòng hộ Sông Lò bị tàn phá
Vòng trong, vòng ngoài đều có các chốt. Để vào được bản Nà Đang chỉ có con đường độc đạo. Vậy, tại sao gỗ vẫn “chui” ra khỏi rừng, qua mặt các cơ quan chức năng? Có hay không việc tiếp tay của các lực lượng bảo vệ rừng với lâm tặc? Trách nhiệm của kiểm lâm Lang Chánh như thế nào?
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết: “Tôi khẳng định là có lâm tặc khai thác gỗ nhưng việc phá rừng chỉ diễn tại bản Nà Đang và mức độ phá rừng chưa lớn, nó diễn ra vào thời điểm cuối năm 2013 và thời gian gần đây. Tôi thường xuyên nhắc nhở các Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) trong tỉnh phải tập trung cường độ cao để ngăn chặn lâm tặc nếu có. Tại BQLRPH sông Lò, tôi đã yêu cầu đồng chí Hoàng Anh rà soát lại ngay cả chính cán bộ của mình, nếu lơ là trong việc tuần tra, kiểm soát thì phải chấn chỉnh ngay, nếu có biểu hiện bắt tay với lâm tặc phải xử lý thật nghiêm. Phải tìm ra thủ phạm phá rừng, đưa ra truy tố trước pháp luật để làm điển hình, mang tính răn đe với những đối tượng xâm hại tài nguyên rừng. Sở cũng đã làm việc với lãnh đạo, kiểm lâm huyện Lang Chánh để tăng cường lực lượng về khu vực bản Nà Đang, phối hợp chặt chẽ với BQLRPH sông Lò, ngăn chặn kịp thời tình trạng trên. Về việc để người dân Nà Đang sống trong rừng, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc BVR. Còn nói một phần là do các hộ đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất nên dễ tiếp tay cho lâm tặc thì phải so sánh với các bản khác. Nếu di dời các hộ, phải phụ thuộc các điều kiện về vốn, bố trí tái định cư… Những khó khăn cụ thể, yêu cầu các hộ phản ánh với chính quyền để được giải quyết. Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền BVR được đẩy mạnh, nhận thức của người dân thay đổi rất nhiều. Ngoài các chính sách ưu đãi của Nhà nước, ở bản Nà Đang thuộc vùng hưởng chính sách 30A, nếu các hộ có ý định tham gia bảo vệ rừng để tăng thu nhập, chúng tôi thấy ý kiến đó hoàn toàn hợp lý, hiệu quả bảo vệ rừng sẽ cao hơn. Tuy nhiên, tôi sợ rằng, khi giao quyền bảo vệ rừng cho các hộ, họ sẽ phát sinh tâm lý lợi dụng vào chủ trương đó để “rút ruột” rừng”, ông Đốc băn khoăn.
Ông Lê Văn Đốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa trao đổi với PV
Ông Lê Tiến Lam, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh chia sẻ: “Cuộc sống của người dân bản Nà Đang rất khó khăn, đường chỉ là lối mòn, hiểm trở, mưa thì lầy lội, điện không có… Nếu được Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giao cho các hộ tham gia bảo vệ rừng hoặc tham gia các dự án trồng rừng để thêm thu nhập, tôi tin chắc, công tác bảo vệ rừng sẽ hiệu quả hơn. Sau khi nắm được thông tin khai thác gỗ trái phép tại Nà Đang, chúng tôi đã yêu cầu xã Lâm Phú báo cáo thực trạng. Sau đó, chúng tôi chỉ đạo, giao cho kiểm lâm, BQLRPH Sông Lò có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nếu việc phá rừng không được ngăn chặn, chúng tôi sẽ báo cáo cơ quan cấp trên kịp thời phối hợp, xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng tại Lâm Phú”.
Nhiều khoảnh rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En bị thiêu rụi
Trước đó, làm việc với PV, ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa khẳng định: Theo quy chế ngành, ở địa bàn nào xảy ra nạn phá rừng, Hạt trưởng phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang rà soát, theo dõi nên chưa thể khẳng định kiểm lâm có bắt tay với lâm tặc không. Sau khi kiểm tra, xác minh cụ thể, nếu có sẽ xem xét đến trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân liên quan”.