Đó là câu nói của một người dân với ông Lê Quốc Việt, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa - người mà Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn và sẽ thông tin tới bạn đọc vào số sau.
Trong kỳ này, chúng tôi đề cập tới tình trạng người dân vì khó khăn, bức bách về phương cách mưu sinh đã đốt rừng đặc dụng tại Vườn Quốc gia Bến En để lấy đất sản xuất. Các cơ quan chức năng phát hiện, vào cuộc xử lý một cách tích cực nhưng do sức ép của miếng cơm, manh áo, người dân biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn tái phạm.
Kỳ 3: "Biết phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng đói sẽ chết nhanh hơn"
“Hóa than” rừng đặc dụng
Chúng tôi tới Làng Lung (xã Tân Bình, Như Xuân) vào giữa trưa tháng 4 nắng gắt. Trên đường đi, cảnh tượng phổ biến nhất là người dân đốt rừng lấy than và để có đất canh tác. Bầu không khí trở nên oi bức, ngột ngạt hơn. Được sự tiếp sức của gió Tây, đám cháy trở nên hung tợn, nuốt chửng mọi thứ, những tiếng nổ “lóc, bóc” như tiếng khóc than của rừng già. Đi sâu vào làng, những khoảng rừng đã cháy trụi, trơ lại các gốc cây đen nhẻm. Đâu đó là khoảng đất trống đã được phủ các loại cây keo, bạch đàn và cây ngắn ngày như sắn, ngô. Nhấp nhô sau những ngôi nhà sàn, chỉ còn lại đồi trọc và một vài cây chưa bị “bà hỏa” nướng hết. Tiếp tục qua thôn Sơn Thủy và thôn Rộc Nái (xã Tân Bình), quang cảnh cũng chẳng khác là bao. Những người đàn ông mình trần trùng trục và những người phụ nữ bị khói, than rừng nhuộm đen đang hì hục gom góp lại ít cành củi chưa cháy hết bó lại từng buộc.
Một vụ đốt rừng diễn ra tại Vườn Quốc gia Bến En
Thấy hai người đàn ông cởi trần đang đứng nghỉ khi gánh bó củi quá khổ, chúng tôi lại bắt chuyện. Anh này cho biết là Vi Văn Phúc (35 tuổi) dân tộc Thổ, ở Làng Lung. Gạt những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, anh tâm sự: “Chúng tôi sống ở đây mấy đời nay mà không có đất canh tác. Có ít đất lúa thì vừa qua, mưa ngập úng hết, cả nhà chẳng biết trông cậy vào đâu. Chúng tôi đành làm liều phát vén lên đất rừng đặc dụng để trồng sắn, lấy cái ăn qua ngày. Các chú thấy đấy, có cái nghề gì để kiếm sống đâu? Biết sai nhưng hết cách rồi…”. Ông Vi Chí Công, 64 tuổi cũng tham gia: “Khổ quá các chú ạ. Dân nhà nông mà không có đất thì biết lấy gì sống đây. Bước chân ra khỏi nhà là đất rừng cấm. Nhưng vì mưu sinh nên gia đình tôi đã đốt một ít rừng để lấy đất sản xuất. Sau khi bị kiểm lâm xử phạt, chúng tôi cũng đã cam đoan không tái phạm nữa. Mong sao Nhà nước sớm tạo điều kiện cho dân chúng tôi ít đất nông nghiệp để sản xuất, ổn định cuộc sống, không phải đi đốt trộm rừng như thế này”.
Chúng tôi tiếp tục tìm tới thôn Luống Đồng, xã Hóa Qùy (Như Xuân), tình trạng những khoảng rừng biến thành tro đã giảm hẳn. Nhưng, quan sát kỹ thì nhiều khoảng đã được “hóa than” một thời gian trước, hiện được phủ lên một lớp cây keo, bạch đàn. Những cây này không thể che được những gốc cây to cháy nham nhở mà “bà hỏa” chưa tiêu hóa hết được. Mới đây, vào đầu tháng 3/2014, Trạm Kiểm lâm Xuân Đàm đã lập biên bản, xử phạt anh Lê Đình Tuấn (dân tộc Thổ), thôn Luống Đồng đã đốt dọn 190m2 rừng đặc dụng. Bắt đầu cứ tháng 3 hàng năm là mùa đốt rừng lại bùng phát khiến lực lượng kiểm lâm phải căng sức tuyên truyền, vận động, xử lý… Nhưng, do sức ép của miếng cơm, manh áo nên tình trạng trên khó giải quyết dứt điểm. Rừng đặc dụng vì thế cứ bị “hóa than” dần.
Chấp nhận nộp phạt, đến mùa lại đốt
Trao đổi với PV, ông Đặng Hữu Nghị, Hạt trưởng Vườn Quốc gia Bến En cho hay: “Nhận thức rõ vấn đề quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, làm giàu rừng, phát triển rừng bền vững phải gắn liền với việc phát triển đời sống dân sinh của người dân trong và ven rừng. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó khăn cần phải có hướng đi cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế. Vì vậy, Đảng uỷ, lãnh đạo Vườn Quốc gia Bến En đã đề ra Nghị quyết chuyên đề về bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng và các giải pháp gắn với từng giai đoạn cụ thể; trong đó, lấy việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật và đối thoại chính sách về quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng với người dân làm trọng tâm. Người dân sống trong vùng lõi không có đất sản xuất nên họ vẫn đốt rừng để lấy đất canh tác. Thông tin các anh phản ánh về đốt rừng là có. Những năm trước đây thì diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Gần đây, do sự vào cuộc tích cực của kiểm lâm cũng như chính quyền địa phương nên tình trạng trên có giảm nhưng không triệt để được, cứ đến mùa là họ lại đốt. Khi phát hiện, kiểm lâm địa bàn đã tuyên truyền, vận động, giải thích cho dân, sau đó lập biên bản, xử phạt hành chính. Quyết định này gửi về cho địa phương để họp, công khai kiểm điểm trước thôn”.
Ông Đặng Hữu Nghị, Hạt trưởng Vườn Quốc gia Bến En trao đổi với PV
Có phạt nhưng dân không có đất lại đốt rừng, nên để đạt được hiệu quả theo chương trình, kế hoạch đề ra thì ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Vườn cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền. Đa phần người dân vùng lõi là người dân tộc thiểu số, một bộ phận không nhỏ không biết chữ nên việc chuyển biến về nhận thức, thay đổi tập tục, phương thức sản xuất của đông đảo người dân không phải chuyện một sớm, một chiều.
“Hàng tháng, chúng tôi có kế hoạch chỉ đạo cho các Tổ, Trạm Kiểm lâm trực thuộc đấu mối với chính quyền sở tại và các Ban quản lý thôn, bản tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật quản lý, bảo vệ rừng và đối thoại trực tiếp với người dân có sự tham gia của lãnh đạo Vườn. Thông qua tuyên truyền - đối thoại, nhiều vấn đề người dân còn băn khoăn đã được từng bước giải đáp làm rõ, từ đó làm cho đại đa số người dân chuyển biến về nhận thức, không làm những điều pháp luật không cho phép. Đặc biệt một số người đã cộng tác với lực lượng chức năng tích cực tham gia trực tiếp vào công tác quản lý, báo tin về các hành vi xâm hại rừng hoặc sẵn sàng tố giác các đối tượng thường có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để Vườn quốc gia Bến En cùng chính quyền địa phương có biện pháp đưa vào theo dõi, quản lý chặt chẽ hạn chế việc để xảy ra vi phạm các qui định về bảo vệ rừng đặc dụng. Thông qua đó, Vườn quốc gia Bến En, chính quyền cùng với người dân tìm ra hướng đi, các giải pháp cải thiện, phát triển kinh tế hộ gia đình phù hợp với điều kiện, tập quán cụ thể từng địa bàn gắn với việc bảo vệ rừng bền vững như: Đưa Dự án cải thiện sinh kế của người dân vùng đệm Vườn quốc gia Bến En đến với thôn (bản); Dự án đa canh đa con ở các thôn trên địa bàn xã Xuân Thái huyện Như Thanh; Dự án cộng tác chia sẻ lợi ích từ rừng ở thôn Sơn Thuỷ xã Tân Bình huyện Như Xuân... Mặc dù quy mô của các Dự án còn khiêm tốn, vốn đầu tư còn hạn chế, phạm vi hẹp, nhưng phần nào đã giải quyết được việc làm cho một số lao động của người dân vùng lõi, góp phần làm cho người dân hiểu được trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng là của cả cộng đồng”, ông Nghị cho biết thêm.
Một trong nhiều quyết định xử phạt hành chính về hành vi phá rừng
Còn ông Phạm Văn Hùng, Hạt phó Vườn Quốc gia Bến En cho biết: “Cứ đến thời điểm này là người dân lại đốt rừng lấy đất. Chúng tôi đã xử lý rất quyết liệt nhưng do bất cập là không có đất thì họ không có phương kế để mưu sinh. Nhiều khi xử phạt mà người dân không có tiền nộp phạt. Về lâu dài, có lẽ vẫn phải quy hoạch một phần đất để cho dân canh tác, chứ để thế này thì quả là nan giải trong việc quản lý, bảo vệ rừng. Có làm gì đi nữa thì công tác an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân phải đặt lên hàng đầu…”.
(Còn nữa)