Bộ Công an và Trung ương Hội Luật gia (HLG) Việt Nam mới đây đã phối hợp tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng sửa đổi bổ sung Luật Thi hành án hình sự và Luật Đặc xá.
Sửa để phù hợp với các luật mới về tố tụng
Trình bày dẫn đề về hai dự án luật được sửa đổi, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cho biết, dự thảo Luật Đặc xá được xây dựng gồm 6 chương với 39 điều trên cơ sở kế thừa Luật Đặc xá năm 2007, bao gồm sửa đổi bổ sung 18/36 điều và bổ sung 3 điều mới, quy định về thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá, người được đặc xá.
Qua10 năm thi hành Luật hiện hành cho thấy, công tác đặc xá cơ bản phù hợp và có tính răn đe, giáo dục cao, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Việc đặc xá được tiến hành theo quy trình xét duyệt thống nhất, khoa học và chặt chẽ thể hiện sự công khai, dân chủ, minh bạch. Kết quả của công tác này đã khẳng định hiệu quả, thành tựu đổi mới công tác thi hành án phạt tù, nhất là sự đổi mới trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân.
TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Việc đặc xá đã khuyến khích phạm nhân học tập, rèn luyện, lao động, phấn đấu cải tạo tốt để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và hoà nhập cộng đồng. Tỷ lệ người được đặc xá tái phạm rất thấp so với tổng số người được đặc xá.
Cũng giống như Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự là đạo luật quan trọng, trong quá trình 7 năm tổ chức thực hiện tới nay, có nhiều quy định không còn phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và chưa phù hợp với các đạo luật về tố tụng mới ban hành. Do vậy cần sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất trong thi hành. Dự thảo luật được bổ sung Điều 66 - khung pháp lý mới để điều chỉnh các quy định của BLHS 2015 liên quan tới thi hành hình phạt đối với pháp nhân thương mại. Đây là điểm mới nhất trong phạm vi luật sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, là cơ quan soạn thảo dự án Luật Thi hành án hình sự, Bộ Công an hướng đến việc soạn thảo các quy định pháp luật về việc chấp hành hình phạt hình sự cần phải nghiêm minh, nhân đạo và hướng đến bảo vệ tốt nhất quyền con người. Trong hoạt động thi hành án hình sự với pháp nhân, dự án luật quy định mở rộng chủ thể trong hoạt động thi hành án nhưng vẫn thống nhất về quản lý, đảm bảo có hình phạt nghiêm minh với pháp nhân nhưng vẫn tạo điều kiện cho pháp nhân khắc phục lỗi lầm, tiếp tục cống hiến.
Thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia pháp luật đánh giá: Chế độ quản lý và giam giữ phạm nhân là nữ được qui định trong dự Luật Thi hành án hình sự sửa đổi đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể, theo khoản 2 của Điều 27, dự thảo Luật Thi hành án hình sự quy định: Trong các khu giam giữ quy trình, những phạm nhân dưới đây được bố trí, giam giữ riêng: Phạm nhân nữ; phạm nhân dưới 18 tuổi; phạm nhân trên 15 năm đã chấp hành án mà thời gian còn lại dưới 15; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người đồng tính; người chuyển đổi giới tính; phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; phạm nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hặc khả năng điều chỉnh hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; Phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại; phạm nhân từ 70 tuổi trở lên…
Góp ý dự thảo Luật, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho rằng, cần mở rộng ý nghĩa cũng như thẩm quyền trong hoạt động thi hành án hình sự. Vì việc thực hiện thi hành án không chỉ là chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an mà là của nhiều cơ quan ban ngành khác. Bên cạnh đó cũng cần thiết kế các quy định thể hiện rõ quyền con người, quyền lao động của phạm nhân trong các trại giam.
Liên quan đến Luật Đặc xá, các ý kiến cho rằng hiện nay có bất cập với những luật về tố tụng mới ban hành sau. Hiện những điều kiện được đề nghị đặc xá lại rộng hơn điều kiện tha tù trước thời hạn (một trong những điều kiện được đề nghị đặc xá là đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn tù, còn điều được tha tù trước thời hạn là đã chấp hành được ít nhất 1/2 thời hạn tù). Vì vậy, để chế định tha tù trước thời hạn có tính khả thi trong thực tiễn, đồng thời, thể hiện đặc xá là ân huệ đặc biệt thì cần thiết phải sửa đổi điều kiện được đề nghị đặc xá theo hướng chặt chẽ hơn điều kiện tha tù trước thời hạn. Do đó, để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, với quy định của BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 và giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét đặc xá thời gian qua, việc đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đặc xá là cần thiết.
Theo ông Phan Trung Lý, cần ghi rõ trong luật ngày nào được đặc xá. Một số trường hợp đặc xá đặc biệt cần công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
GS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch HLG Việt Nam cho rằng: Các điều kiện được qui định trong dự thảo Luật còn gây khó khi người dân muốn tiếp cận. Đề nghị cơ quan soạn thảo luật diễn đạt rõ ràng về các điều kiện để được đặc xá; bỏ điểm đ khoản 1 điều 10 của Luật Đặc xá: “Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự” bởi quy định này mang tính chất cảm tính, khó xem xét nên khi áp dụng sẽ không đảm bảo công bằng trong hoạt động đặc xá. Còn về điều kiện trong đặc xá, cũng cần bổ sung quy định: Nếu phạm nhận được tha tù trước thời hạn mà tái phạm tội thì không tha tù trước thời hạn. Nếu phạm nhân được đặc xá rồi nhưng lại tái phạm tội thì không được áp dụng đặc xá.
Kết luận nội dung, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, tiếp thu các ý kiến đóng góp, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiến hành rà soát lại tất cả các nội dung trên tinh thần các ý kiến đóng góp về 2 dự thảo Luật này, để 2 dự án Luật thể hiện một cách đầy đủ và tốt hơn nữa trước khi trình Quốc hội cho ý kiến.