Sửa luật theo hướng giao cho Tòa án giải quyết khiếu nại

Mai Thoa| 24/10/2021 11:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 24/10, các đại biểu tiếp tục thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng chống tội phạm; dự thảo Nghị quyết phiên tòa trực tuyến.

hoi-truong.jpg

Công tác phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tổ chức phiên tòa trực tuyến là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Giao nhiệm vụ giải quyết khiếu nại cho Tòa án

Phát biểu thảo luận các báo cáo, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Bến Tre nhận định, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần làm rõ.

Cụ thể: So với năm 2020 thì năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số cuộc thanh tra hành chính đã giảm 32%, số cuộc thanh tra và kiểm tra chuyên ngành đã giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị xem xét, xử lý hành chính giảm 30%, nhưng mức độ vi phạm về kinh tế thì lại tăng, cụ thể là tăng 6% về số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất và tăng gần 4% số cá nhân chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý.

202110231711314264_nguyen-thi-le-thuy-ben-tre-1-.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Bến Tre phát biểu thảo luận.

Riêng Thanh tra Chính phủ đã tổ chức 42 cuộc thanh tra và phát hiện sai phạm về kinh tế ở 20 cuộc, chiếm gần 50% số cuộc thanh tra, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý tăng 20,1% so với năm 2020.

Năm 2021 số cuộc thanh tra, kiểm tra ở khu vực ngoài nhà nước 74% số đơn vị so với năm 2020, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng lại tăng. Cụ thể, năm 2020 tổ chức 49 đoàn kiểm tra, chỉ phát hiện 2 vụ. Trong năm 2021 chỉ kiểm tra 13 đơn vị nhưng phát hiện dấu hiệu tham nhũng 13 vụ.

Số liệu này cũng chưa rõ là có phải mỗi đơn vị một vụ hay không. Báo cáo cũng chưa phân tích nguyên nhân là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, đại biểu đề cập đến công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng kinh tế, chỉ thu hồi được 5% số tiền vi phạm, trong khi trong năm 2020 con số này là 43,42%.

Báo cáo cũng không thấy đề cập nguyên nhân tại sao việc thu hồi tài sản tham nhũng giảm nhiều như vậy, có phải là do số vụ việc thi hành không đủ điều kiện thi hành hay do nguyên nhân khách quan dịch bệnh không thi hành được.

Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ các số liệu, từ đó xác định nguyên nhân chủ quan. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề PCTN, lãng phí trong bộ máy nhà nước.

Đại biểu Trần Văn Tuấn- Bắc Giang đề cập đến công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của Chính phủ và các cơ quan.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy trong thời gian qua, mặc dù công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, song tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn còn phức tạp.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bởi sự bất cập ngay trong quy định về trách nhiệm và trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại.

Theo quy định của Luật Khiếu nại hiện hành, người khiếu nại được chọn cơ quan hành chính hoặc Tòa án để khiếu nại đối với các hành vi hành chính. Song trên thực tế, những khiếu nại chủ yếu được gửi đến cơ quan hành chính xem xét giải quyết, các vụ việc đưa ra Tòa án hành chính giải quyết không nhiều.

Điều này không tránh khỏi có sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong việc giải quyết, dẫn tới nhiều vụ việc khiếu kiện, tố cáo phức tạp, đông người, vượt cấp kéo dài, thậm chí trở thành những điểm nóng, gây bức xúc trong xã hội.

202110231758332091_tran-van-tuan-bac-giang2(1).jpg
Đại biểu Trần Văn Tuấn - Bắc Giang phát biểu thảo luận.

Để khắc phục tình trạng này, đại biểu đề nghị cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhất là Luật Khiếu nại theo hướng giao cho Tòa án giải quyết.

Nên thí điểm tổ chức phiên tòa trực tuyến và sửa luật tố tụng

Hầu hết các ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay các đại biểu tập trung vào dự thảo Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Đại biểu Lã Thanh Tân – Hải Phòng nhất trí với đề nghị ban hành Nghị quyết tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây là một giải pháp hiệu quả, làm quá trình giải quyết công việc của Tòa án được nhanh hơn.

Về nội dung dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng hồ sơ dự thảo nghị quyết có dự thảo thông tư liên tịch giữa TANDTC-VKSNDTC-Bộ Công an quy định về phối hợp trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đã thể hiện sự chủ động, thận trọng và kỹ lưỡng, đảm bảo cho việc thực hiện kịp thời.

Đại biểu nhận định, phiên tòa trực tuyến là phương thức tố tụng mới nên cần phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác này. Việc triển khai cũng cần phả thận trọng, nên có thí điểm trước khi triển khai toàn quốc.

Đại biểu cũng cho biết, tại Hải Phòng hiện nay đã được đầu tư đường truyền và hệ thống thiết bị và đường truyền kết nối riêng từ Hội trường xét xử TAND TP Hải Phòng đến phòng xét xử đặt tại UBND TP để phục vụ xét xử trực tuyến. Hệ thống đường truyền được đánh giá chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ nét; người tham gia ở các điểm cầu đều theo dõi dễ dàng….

Từ kết quả này, TAND TP Hải Phòng đã có đề nghị TANDTC xem xét thực hiện thí điểm việc triển khai thực hiện, đại biểu thông tin.

Đến từ Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng có chung quan điểm: Tổ chức phiên tòa trực tuyến là yêu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay.

Nhất trí với các nội dung dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề còn mới, các bộ luật tố tụng hiện hành chưa có quy định cụ thể. Vì vậy đề nghị Quốc hội bổ sung Điều 1 dự thảo nghị quyết quy định xét xử cả đối với vụ án hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vào nghị quyết.

Hiện nay, Tòa cấp huyện đã được tăng thẩm quyền xét xử cả những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Vì vậy để triển khai thực hiện tốt các quy định tại nghị quyết này, cần phải có rà soát, và đầu trang thiết bị cho Tòa án các cấp, các điểm cầu thành phần có thể liên kết với nhau thông qua môi trường mạng phục vụ công tác xét xử, kinh phí tổ chức… dự thảo nghị quyết và dự thảo thông tư liên tịch chưa đề cập đến, nên đề nghị cân nhắc có điều khoản quy định về nội dung ngân sách tổ chức thực hiện để thuận lợi cho Tòa án triển khai nhiệm vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật theo hướng giao cho Tòa án giải quyết khiếu nại