Phát biểu tại Quốc hội chiều 1-2, hầu hết các đại biểu đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, cần lùi thời hạn để đảm bảo chất lượng luật.
Lý do mà các đại biểu cho rằng cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 bởi đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân; liên quan tới nhiều lĩnh vực, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Tờ trình của UBTVQH nêu rõ, dự án Luật đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước quan tâm. Việc sửa đổi Luật đất đai sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (Tp.Hồ Chí Minh) phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Một số nội dung quan trọng của dự án Luật như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 khóa IX về chính sách đất đai nên UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian chuẩn bị.
Theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Luật Đất đai sửa đổi cần được Quốc hội quan tâm đặc biệt. Đại biểu nêu thực tiễn đây là những vấn đề gây nhiều bức xúc, liên quan đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện trong thời gian qua; đồng thời, đất đai cũng là lĩnh vực phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng. Đại biểu tán thành với việc đưa Luật Đất đai sửa đổi vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 nhưng đề nghị Chính phủ cần đảm bảo tốt nội dung sửa đổi dự án quan trọng này.
Tuy nhiên, đại biểu Võ Thị Dung (Tp.Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác cho rằng xung quanh việc sửa đổi Luật Đất đai còn nhiều nội dung có quan điểm khác nhau nhưng việc sửa đổi này là hết sức cần thiết, được người dân và cử tri cả nước trông đợi từng ngày, từng giờ. Đại biểu đề nghị Quốc hội chỉ đạo các ban, ngành, cơ quan soạn thảo gấp rút triển khai thực hiện.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ đang tập trung làm rõ những nội dung giá đất; thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng; thế chấp người sử dụng đất; xử lý vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc, miền núi; vấn đề đất nông, lâm trường để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, đây là những nội dung lớn, rất phức tạp, nên để văn bản pháp luật về đất đai ổn định theo từng thời kỳ, không gây bất cập, sơ hở, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho giữ đúng theo tiến độ đã trình (cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6).
Theo Phó Thủ tướng, hiện có tới 400 văn bản quy phạm pháp luật về đất đai nhưng rất chồng chéo nên để Luật Đất đai sửa đổi không tạo ra sự bất cập và đảm bảo chất lượng, đề nghị Quốc hội giữ thời hạn như đã trình.
P.Lan