Chiều 17-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp chuyên đề, thảo luận về dự thảo ý kiến của Chính phủ đối với dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
Dự thảo ý kiến của Chính phủ về một số nội dung trong dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) gọi tắt là Dự thảo, cho thấy, nhìn tổng thể, Dự thảo đã bám sát các quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng XI, Nghị quyết Hội nghị TW 2 và Hội nghị TW 5 khóa XI.
Với 9 vấn đề cơ bản được nghiên cứu sửa đổi theo chỉ đạo của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Dự thảo đã thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi (cả về nội dung, cơ cấu các chương, điều và kỹ thuật lập hiến) của một bản dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp chuyên đề Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Về nội dung, Chính phủ nhất trí cao với các điểm mới quan trọng của dự thảo là: Đã ghi nhận rõ một số nguyên tắc cơ bản, nền tảng như nguyên tắc chủ quyền nhân dân gắn với tính thượng tôn Hiến pháp; nguyên tắc về tổ chức quyền lực nhà nước với sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, dự thảo còn thể hiện sự lúng túng trong việc thiết kế tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; vẫn thể hiện tư duy “tĩnh” và chưa tính đến các trường hợp ngoại lệ, nhiều thiết chế được quy định chỉ phù hợp để hoạt động trong điều kiện bình thường, chưa dự liệu được cách thức điều hành đất nước trong những điền kiện đặc biệt mà mọi quốc gia đều phải sẵn sàng đương đầu trong thế giới hiện đại; về kỹ thuật lập hiến, còn nhiều nội dung được quy định quá chi tiết, làm thay chức năng của các đạo luật; một số điều vẫn giữ nguyên văn phong nghị quyết, nhất là ở chương I và III, làm giảm phần nào tính quy phạm của Hiến pháp.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, đến nay, Chính phủ đã họp 3 phiên để đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi) trên tinh thần hết sức nghiêm túc, trách nhiệm. Phó Thủ tướng cũng gợi ý, các ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ cần tập trung một số vấn đề quan trọng, trong đó, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, đặc biệt là xác định rõ vị trí của Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất...
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Việc sửa đổi Hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt hệ trọng đối với quốc gia. Do đó, Thủ tướng đề nghị tất cả các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, tiếp thu tinh thần thảo luận tại cuộc họp này để hoàn thiện ý kiến đóng góp của Chính phủ vào Dự thảo Hiến pháp (sửa đổi).
PV