Ngày 6-11, thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị không quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp sửa đổi.
Theo quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, “các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác được củng cố và phát triển. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển”.
Đại biểu Quốc hội thảo luân tại tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - Ảnh: Internet
Nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua kinh tế nhà nước dù nhận được nhiều ưu đãi, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác đã và đang phát triển mạnh đóng góp lớn cho nền kinh tế lại chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc quy định các thành phần kinh tế bình đẳng như nhau trong cùng một khuôn khổ pháp lý sẽ tạo những chuyển biến tốt hơn cho đất nước, tạo ra nhiều của cải vật chất, việc làm, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách.
Đại biểu Đặng Thành Tâm (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, dù có mong muốn thế nào thì kinh tế Nhà nước cũng không thể giữ được vai trò chủ đạo vì đây là quy luật phát triển và là thực tế. Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Hiến pháp sửa đổi chỉ nên nêu tên các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, nhằm thể hiện sự bình đẳng và cạnh tranh lẫn nhau trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng Hiến pháp có giá trị lâu dài nên cần quy định mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Tp.Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, khi sửa Hiến pháp nên cân nhắc, quy định cho phù hợp về vai trò của kinh tế nhà nước.
Trước đó, tại nhiều diễn đàn, các chuyên gia kinh tế đã lên tiếng đề nghị xem lại vai trò “chủ đạo” của kinh tế nhà nước. TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thực tế mất ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian qua đã bác bỏ vai trò là công cụ “ổn định kinh tế vĩ mô” của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Trung Nguyễn