Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Phải xuất phát từ tổng kết thực tiễn và bất cập hiện hành

Mai Thoa| 07/04/2015 21:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là quan điểm chung của rất nhiều đại biểu tại phiên họp UBTVQH sáng 7/4 khi cho ý kiến vào Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Ngoài ra, còn nhiều nội dung khác được các đại biểu quan tâm thảo luận.

Vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra

Theo Tờ trình của Chính phủ thì phạm vi sửa đổi Bộ luật khá rộng, trong tổng số 441 điều (tăng 87 điều so với Bộ luật hiện hành), giữ nguyên 8 điều, bổ sung mới 63 điều, nhưng sửa đổi lên tới 370 điều và bãi bỏ 8 điều.

Thẩm tra dự án Luật này, Ủy ban Tư pháp (UBTP) cho biết, yêu cầu của việc sửa đổi trước hết là phải giải quyết được những vấn đề thật sự bất cập, vướng mắc trong thực tiễn và bổ sung những vấn đề còn thiếu nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, nhiều quy định trong dự thảo BLHS chưa bảo đảm sự thống nhất giữa mục tiêu, quan điểm, yêu cầu đặt ra cũng như thiếu sự đồng bộ giữa phần quy định chung và các tội phạm cụ thể; một số quy định của BLHS hiện hành qua thực tiễn áp dụng gặp nhiều vướng mắc nhưng chưa được sửa đổi, ngược lại, một số vấn đề luật hiện hành đang phát huy tác dụng tốt thì lại sửa đổi.

Bên cạnh đó, một số quy định mang tính đổi mới cơ bản về chính sách hình sự nhưng chưa được làm rõ. Đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội băn khoăn: Khi BLHS đưa ra sửa đổi lớn như vậy nhưng báo cáo đánh giá tác động chỉ có 7 lĩnh vực, như vậy có đảm bảo được hay không?

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, những sửa đổi này có đáp ứng được yêu cầu phải cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp, Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp hay chưa? Quan điểm là sửa nhiều hay ít không quan trọng mà phải đảm bảo sửa những gì đang bất cập; tổng kết những vướng mắc gì mà chúng ta chưa giải quyết được thì phải tập trung sửa đổi.

Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, để phục vụ cho việc xây dựng dự án Bộ luật sửa đổi này có 21 báo cáo chuyên sâu, trên cơ sở đó đoàn kiểm tra liên ngành đã đi khảo sát thực tế, và dự thảo BLHS này đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết của các cơ quan tố tụng.

Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Phải xuất phát từ tổng kết thực tiễn và bất cập hiện hành

Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý phát biểu tại phiên họp

Về chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành phạt tù, đa số các ý kiến không tán thành với quy định này và cho rằng, quy định chuyển đổi hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ sang hình phạt tù không phù hợp với mục tiêu giảm hình phạt tù theo định hướng cải cách tư pháp và khó bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, việc chuyển từ hình phạt tiền thành hình phạt tù là chuyển sang một loại hình phạt khác nặng hơn, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo cũng chưa dự kiến được tỷ lệ chuyển đổi là bao nhiêu tiền bằng một ngày tù? Mối quan hệ giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự (khi chuyển đổi tiền thành tù); cơ quan nào có thẩm quyền chuyển đổi; trình tự, thủ tục ra sao? Ngoài ra, quy định này cũng đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật về thi hành án cho phù hợp, đặc biệt là Luật THADS và Luật THAHS.

Không nên hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế

Dự thảo Bộ luật cũng đã bổ sung thêm nhiều tội danh mới trên nhiều lĩnh vực như: Vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân; quản lý hành chính... Đồng thời, bỏ một số tội trong lĩnh vực kinh tế và quản lý hành chính.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung các tội danh mới nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm là cần thiết. Tuy nhiên, tội danh và cấu thành cụ thể cần phải dựa trên cơ sở tổng kết đầy đủ việc thi hành BLHS hiện hành. Tránh tình trạng “chạy theo tình hình” vừa không bao quát, đầy đủ vừa không đảm bảo sự thống nhất của chính sách hình sự. Do vậy, số tội danh mới bổ sung cần có sự rà soát kỹ, tránh sự chồng chéo.

Về khắc phục bất cập trong quy định hiện hành, hạn chế bỏ lọt tội phạm, UBTP cho rằng, một trong những yêu cầu của lần sửa đổi này là bên cạnh quy định tội phạm mới phát sinh, thì phải giải quyết vướng mắc trong các quy định hiện hành, tránh bỏ lọt tội phạm và hình sự hóa các quan hệ dân sự (hoặc ngược lại). Tuy nhiên, nhiều quy định của dự thảo Bộ luật chưa bảo đảm yêu cầu này.

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 Điều 29 dự thảo quy định về miễn TNHS được giữ nguyên quy định tại Điều 25 BLHS hiện hành. Thực tiễn áp dụng cho thấy, đây là quy định gây ra cách hiểu và vận dụng không thống nhất, thậm chí lạm dụng để đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can để tránh bồi thường oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

Hay “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (Điều 172 dự thảo): Dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt được quy định tại điều luật này đã bỏ qua yếu tố “chiếm đoạt” dễ dẫn tới hậu quả là hình sự hóa quan hệ dân sự, hạn chế sự năng động trong sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, cần xem xét lại yếu tố cấu thành của tội này để khắc phục tối đa hai xu hướng: Hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại.

Còn vấn đề hạn chế hình phạt tử hình, Chính phủ đề xuất bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình ở các tội khác có tính chất vụ lợi như: sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, song, không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 434), Tội chống loài người (Điều 435), Tội phạm chiến tranh (Điều 436), vì đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng và xét về ý nghĩa chính trị, sự tương quan với các nhóm tội khác, chừng nào còn duy trì hình phạt tử hình thì không nên bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh này.

Phát biểu đóng góp ý kiến, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đã đề cập đến nhiều nhóm vấn đề khác nhau. Ông không đồng tình việc mở rộng nguồn của BLHS và cho rằng không nên để các luật chuyên ngành khác quy định về tội phạm hình sự. Như vậy rất dễ dẫn đến việc nếu không cẩn thận chúng ta sẽ hình sự hóa các lĩnh vực khác. Hơn nữa, rất khó khăn cho việc tập hợp pháp điển hóa, khó khăn cho các cơ quan áp dụng pháp luật và không thể hiện được tinh thần hội nhập, không tiết kiệm được thời gian; thay vì sửa đổi một luật chúng ta phải sửa nhiều luật.

Phó trưởng Ban Nội chính cũng đồng tình giảm hình phạt tử hình một số tội danh theo quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, cần tách các tội danh như sản xuất thuốc chữa bệnh giả với tội sản xuất lương thực thực phẩm giả để quy định khung hình phạt cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa đổi Bộ luật Hình sự: Phải xuất phát từ tổng kết thực tiễn và bất cập hiện hành