Sự việc ở Trường PTDTNT THCS huyện Thanh Sơn cần xử lý nghiêm

Đặng Hà| 18/12/2018 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Về sự việc ở Trường PTDTNT THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, đó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm.

Ngày 17/12, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã có chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái. Tại đây, người đứng đầu ngành Giáo dục đã có các cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân tình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh.

Tới thăm thầy và trò Trường PTDTNT THCS huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đến thăm từng lớp học, khu ở nội trú, khu bếp ăn, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, học tập của các em học sinh và niềm vui của các em khi tới lớp.

Sự việc ở Trường  PTDTNT THCS huyện Thanh Sơn cần xử lý nghiêm

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ cùng học sinh ở trờng PTDTNT THCS huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Trò chuyện với các em học sinh, Bộ trưởng mong các em luôn tự tin trong học tập, mạnh dạn trong các hoạt động tập thể, đặc biệt dù học tập bằng tiếng Kinh nhưng các em đừng quên tiếng mẹ đẻ, đây sẽ là nền tảng để các em có được thành công trong tương lai.

Làm việc với đội ngũ giáo viên nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, các học sinh ở các trường nội trú đến từ các dân tộc khác nhau, tiếng phổ thông chưa thạo và phải sống xa bố mẹ.

Bởi vậy, sự quan tâm của thầy cô để nâng cao sự tự tin, đảm bảo an toàn cho các cháu là điều rất quan trọng. Muốn làm được như vậy, cần trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống cho các cháu.

Bộ trưởng cũng đề nghị các giáo viên nhà trường cần tiếp cận với tiếng mẹ đẻ các em học sinh, từ đó gần gũi, hiểu các em hơn, truyền thụ kiến thức cho các em tốt hơn.

Đề cập tới vụ việc đau lòng xảy ra gần đây tại Trường PTDTNT THCS huyện Thanh Sơn - tỉnh Phú Thọ, theo Bộ trưởng đó như một bài học kinh nghiệm trong quản lý các trường nội trú. Bộ trưởng khẳng định, đó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo phải kiên quyết đưa ra khỏi ngành, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật cần xử lý nghiêm. Hành vi ấy cần phải lên án và có thái độ rõ ràng, pháp luật xử lý, nhưng quan trọng hơn là phải đi từ gốc. Muốn đi từ gốc thì bản thân các cháu học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD-ĐT đã và sẽ tăng cường giáo dục giới tính và tâm lý lứa tuổi cho học sinh, nhất là học sinh ở trường dân tộc nội trú, hiểu biết được những kỹ năng căn bản để có thể phòng chống bị xâm hại.

Bên cạnh đó, các nhà trường cần phát huy tính dân chủ trong trường học, để mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh không ngại ngần lên tiếng khi thấy những điều bất hợp lý và có dấu hiệu vi phạm quy định, vi phạm pháp luật, từ đó ngăn chặn, không để xảy ra hậu quả quá nặng nề.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, các trường cũng phải tăng cường phối hợp, chia sẻ với phụ huynh học sinh để tháo gỡ những khó khăn về tâm lý lứa tuổi cho học sinh, lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự việc ở Trường PTDTNT THCS huyện Thanh Sơn cần xử lý nghiêm