Từ một thanh niên trí thức của dân tộc Ba na, chỉ vì nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu, Zan-na dần trở thành một trùm Fulro khét tiếng chuyên chống đối chính quyền và sống lang bạt nơi đầu rừng, góc núi.
Nhưng rồi, nhờ sự cảm hóa, giác ngộ của các cơ quan đoàn thể, Zan-na đã trở về, đã bước qua được mặc cảm tội lỗi của quá khứ để yên tâm gắn bó với buôn làng, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện và có những đóng góp cho cộng đồng, xã hội.
Sai lầm ở ngã rẽ đầu tiên
Theo tiếng Ba na, tên của người đàn ông này có nghĩa là điều tốt, điều lành. Bô me (tên thường gọi là Zan-na) được cha mẹ đã cho cái tên đó với mong muốn, con của họ làm được những điều lớn lao, phi thường để gia đình và buôn làng có thể tự hào. Nhưng buồn thay, thực tế đã không phải như họ mong muốn. Trong khi những cậu bé Tây Nguyên cùng tuổi khác theo bộ đội vào rừng làm cách mạng, hoặc vót chông tre, tẩm tên độc bảo vệ buôn làng thoát khỏi những trận càn đẫm máu của địch trong những năm tháng chiến tranh thì Zan-na, cậu con trai duy nhất của một gia đình người Ba na có uy tín và giàu có của vùng đất Măng Yang lại được chọn lựa theo một con đường trái ngược.
Vốn thông minh và hiểu biết, Zan-na được chính quyền cũ lựa chọn cho đi học tại trường thiếu sinh quân để tạo hạt nhân cốt cán cho ngụy quân, ngụy quyền trên đất Gia Lai - Kon Tum. Tại ngôi trường này, Zan-na đã được huấn luyện các kỹ năng để có thể trở thành một chiến binh thiện chiến, đồng thời được đào tạo ngoại ngữ, tâm lý chiến và chuẩn bị được tung trở lại bản địa.
Giữa lúc ấy, những đoàn quân giải phóng được sự che chở, đùm bọc của đồng bào các dân tộc trên cao nguyên hùng vĩ đã từ các cánh rừng, các căn cứ tràn về giải phóng Tây Nguyên và miền Nam Việt Nam. Trong khi cả dân tộc hân hoan chào đón hòa bình, thống nhất, cùng nhau hàn gắn những vết thương sau chiến trang thì Zan-na cùng nhiều người khác đã bị một số tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài lợi dụng để “chuyển lửa về quê nhà”. Hơn thế nữa, một số người dân Ba na hiền lành, chất phác của miền đất bazan cũng bị Zan-na lôi kéo, xúi bẩy đi vào con đường xấu, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Đại tá Nguyễn Xuân Hà (bên trái), Phó cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, đến gặp gỡ động viên, khích lệ Zan-na
Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, lực lượng Fulro vùng Chư Sê, Măng Yang, Đắc Đoa lúc đó còn tồn tại bốn nhóm là nhóm Bộ Tổng tham mưu, nhóm Quân khu 2, nhóm tỉnh Kon Tum, nhóm tỉnh Pleiku hoạt động lén lút tại các khu vực hẻo lánh, giáp biên. Là người có uy tín với bà con dân tộc, có khả năng tổ chức, tuyên truyền, lôi kéo người khác, nên chỉ sau mười năm chui lủi trong rừng, Zan-na được thăng chức Tham mưu trưởng của Fulro Quân khu 2.
Từ đó, những cánh rừng hoang vu đã trở thành đại bản doanh của ngài “tham mưu trưởng” Zan-na. Có lẽ, trong ký ức của người đàn ông này, những tháng ngày mang trên mình cái chức vị “hữu danh vô thực” ấy chỉ là những cuộc truy bức bà con tiếp tế lương thực, ép thanh niên vào rừng theo Fulro, những lần tập kích chống phá cách mạng hay những cuộc trốn chạy sự truy quét của lực lượng vũ trang nhân dân. Cùng với đồng đảng của mình, suốt 18 năm, ông ta tự biến mình trở thành đứa con bị ruồng bỏ của buôn làng Tây Nguyên. Gia đình Zan-na thời kì ấy cũng bị dân làng xa lánh bởi có con trai đi theo con đường xấu.
Ảo tưởng vào quyền lực
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời từng nói: “Trong mấy mươi triệu con người cũng có người thế này, thế khác nhưng thế này, thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy phải khoan hồng, đại độ và đối với đồng bào lầm đường, lạc lối, ta phải lấy tình nhân ái mà cảm hóa họ”. Thời điểm ấy, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 04, trong đó nhấn mạnh: “Vấn đề FULRO không đơn thuần là vấn đề quân sự mà chủ yếu và vấn đề chính trị, phải được giải quyết một cách cơ bản và lâu dài, việc truy quét FULRO phải gắn liền với nhiệm vụ thực hiện chính sách của Đảng đối với dân tộc, tôn giáo…”.
Từ chủ trương đúng đắn ấy, các lực lượng Quân đội, Công an cùng các ngành chức năng đã vào cuộc. Bằng sức mạnh vật chất kết hợp với sức mạnh của lòng nhân ái, những người lính trên đất bazan đỏ nắng đã đem tấm lòng, cử chỉ, việc làm của mình để đến với từng bếp lửa, từng ché rượu. Và rồi, lời lành như nước suối mát lan toả dần, có sức kêu gọi con em Tây Nguyên lầm lạc trở về từ rừng sâu.
Giờ đây, Zan-na còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể tại địa phương
Cũng thời gian này, lực lượng Fulro Campuchia ra đầu hàng Untact, những nhóm Fulro tại Việt Nam bị cắt đứt liên lạc nên dần quy nộp súng ống, ra hàng chính quyền cách mạng. Lực lượng an ninh Tây Nguyên thời kỳ đó đã cùng với bà con các dân tộc Tây Nguyên phá rã nhiều ổ nhóm, khéo léo gọi hàng nhiều trùm Fulro cốt cán. Zan-na là một trong số đó. Năm 1992, cuộc đời Zan-na rẽ sang một bước ngoặt mới khi ông ta quyết định trở về với nhân dân. Vượt qua những mặc cảm, những hố sâu ngăn cách để xác lập lại chỗ đứng đích thực của mình trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, Zan-na trở thành tuyên truyền viên tích cực, kêu gọi những tàn quân Fulro đang lẩn trốn, đói khát và bệnh tật trong những cánh rừng sâu trở về với nhân dân, với chính quyền cách mạng.
Những người từng sống cùng Zan-na tại xã Hà Bầu hẳn sẽ không bao giờ ngờ được rằng, sẽ có lúc con người mà họ từng tin yêu, từng tha thứ lại có ngày bội tín với nhân dân và chính quyền để đi theo kẻ xấu một lần nữa. Đó là lúc cái “thây ma” Fulro những tưởng đã chết rữa từ lâu bỗng trỗi dậy tiếp tục ám ảnh vùng đất Tây Nguyên dưới cái tên “Nhà nước Đề Ga”. Đây thực chất là một tổ chức phản động của nhóm người lưu vong với mưu đồ ly khai khu vực Tây Nguyên thành một quốc gia riêng rẽ, độc lập. Tổ chức này được thành lập ở nước ngoài và do Ksor Kơk cầm đầu. Chúng đã tiến hành nhiều âm mưu điên cuồng, thâm độc, sử dụng những phần tử xấu lôi kéo đồng bào người Thượng trong nước tiến hành biểu tình, bạo loạn, khuấy động cuộc sống yên lành của vùng đất Tây Nguyên.
Trên cương vị là “Đặc phái viên Trung ương Fulro tại Việt Nam”, Zan-na đã bí mật câu móc với tổ chức “Người Thượng lưu vong”, lợi dụng vấn đề dân tộc xúi giục bà con biểu tình, gây bạo loạn đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”. Theo lời Zan-na cùng đồng bọn, đã có một số bà con bỏ lại buôn làng, nương rẫy để tham gia biểu tình rồi trốn sang Campuchia chỉ với niềm tin mông muội vào lời hứa đầy ảo tưởng của Ksor Kớk là “sẽ đón bà con ra nước ngoài để cùng được hưởng cuộc sống an nhàn”. Đó là vào khoảng những năm đầu của thế kỷ 21.
Quay về nẻo thiện
Trước sự bội tín của Zan-na, lực lượng an ninh Tây Nguyên đã tiến hành thu thập chứng cứ và bắt giữ đối tượng này. Các chứng cứ đã chỉ ra rằng, Zan-na có vai trò cầm đầu, tích cực chỉ đạo hoạt động của các nhóm trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đồng thời còn trực tiếp tuyên truyền, lôi kéo người khác tham gia tổ chức và gây rối. Và, Zan-na đã phải trả giá cho những hành vi sai trái của mình bằng bản án 12 năm tù.
Khi khoác trên người bộ quần áo phạm nhân và về thụ án tại Trại giam số 5, Bộ Công an, Zan-na mới thực sự ân hận về những lỗi lầm mà mình đã gây ra. Chỉ vì sự ngông cuồng và những tham vọng viển vông của mình mà ông cùng đồng bọn đã đẩy biết bao gia đình trên khắp đất Tây Nguyên vào cảnh tan hoang, đổ nát. Bên cạnh đó, trong lòng Zan-na còn canh cánh một nỗi niềm trước tương lai bất định của người vợ và bốn đứa con nhỏ đang phải vật vã mưu sinh nơi quê nhà. Họ sẽ sống ra sao trước sự kỳ thị, hiềm nghi của dân làng bởi những tội lỗi do ông gây ra?
Những tháng ngày sống trong vòng lao lý, ngoài người vợ lam lũ mỗi năm theo tàu hỏa ra thăm chồng một lần, tịnh không thấy một đồng đảng, bạn hữu nào của Zan-na vào thăm hay gửi quà tiếp tế. Công việc ông ta được phân công tại trại giam khá nhẹ nhàng là in ấn và gấp vàng mã. Tháng 3/2012, Zan-na được ra tù. Lúc này ông đã ngoài 50 tuổi, cái tuổi không phải để bắt đầu cuộc đời mới nhưng cũng chưa muộn để chuộc lỗi với quê hương và đền đáp những ân tình. Biết rằng phía trước sẽ còn nhiều mặc cảm, nhưng vẫn tin rằng tình người Tây Nguyên sẽ xoá nhoà tất cả, một lần nữa giang tay ôm lấy đứa con lầm lạc của buôn làng.
Zan-na bên vườn cà phê của mình
Tính đến giờ, tuy mới trở về cố hương mới được hai năm, nhưng Zan-na đã tự tạo lập cho mình được một cơ ngơi mà nhiều người mong ước. Vốn nhạy bén và có tư duy làm kinh tế, ông xắn tay cải tạo lại mảnh vườn, khoanh vùng chăn nuôi. Được chính quyền bảo lãnh với ngân hàng, Zan-na tiếp tục vay vốn ưu đãi của Nhà nước rồi xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tiến hành đào ao thả cá và trồng các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… Năm vừa rồi, rẫy cà phê nhà Zan-na cho quả chín, ao cá cũng bắt đầu cho thu hoạch những mẻ lưới đầu tiên. Bên cạnh đó, giờ đây Zan-na còn tham gia vào rất nhiều công việc đoàn thể của địa phương, như tuyên truyền đường lối của Đảng và Nhà nước cho đồng bào, đặc biệt là đối với những đối tượng từng một thời lầm lỡ như ông, giúp họ quay về nẻo thiện.
“Poh nuh nao plao nuh wơh”- đó là một câu nói quen thuộc của đồng bào Tây Nguyên, khi dịch ra cũng tương tự câu tục ngữ của người Kinh: “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người quay lại”. Vận câu nói này với Zan-na và gia đình ông thật đúng. Trong khi Zan-na thụ án, cô con gái mà ông hết mực yêu thương được chính quyền và các cơ quan chức năng tạo điều kiện thi tuyển vào học tại Trường Đại học Tây Nguyên. Tại đây, em đã phấn đấu rất nhiều để luôn đạt điểm số tốt nhất trong học tập.
Đã có biết bao “đứa con lầm lỗi” như Zan-na được trở về trong sự cảm thông, đón nhận của buôn làng. Họ như cái cây đã bị nhổ, tưởng sẽ chết vì khô héo và lìa xa đất mẹ giờ được ươm trồng lại và vươn lên xanh tốt. Trải qua bao sóng gió, hẳn Zan-na và những người từng một thời u mê, lầm lạc như ông sẽ hiểu hơn về sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em, hiểu hơn về tư tưởng đại đoàn kết dân tộc mà Đảng, Nhà nước luôn hướng đến. Thế nên, Zan-na đã quả quyết rằng, đây sẽ là lần trở về cuối cùng trong cuộc đời ông.